Sản lượng cà phê Việt Nam thấp nhất 4 năm, có thể giảm hơn nữa
Văn phòng Bộ Nông nghiệp Mỹ tại Hà Nội (Văn phòng USDA) dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam (chủ yếu là Robusta) niên vụ 2016-2017 giảm 7% xuống 27,3 triệu bao.
Cũng theo Văn phòng USDA, nhờ nông dân nỗ lực tưới tiêu, bẳng cả nguồn nước từ hồ chứa và nguồn nước ngầm, nên bất chấp khô hạn, thiệt hại của niên vụ 2016-2017 trong thời kỳ cây cà phê ra hoa và kết trái (từ tháng 1 đến đầu tháng 3) được giảm thiểu đáng kể.
Tuy nhiên, Văn phòng USDA cũng cho biết thêm rằng vẫn có cơ sở để hạ dự đoán về sản lượng cà phê Việt Nam - nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới - do thời tiết khô hạn lại xuất hiện. "Lượng mưa trong tháng 5/2016 thấp hơn nhiều so với cùng kỳ của 5 năm qua. Thiếu mưa trong tháng 5 đang gia tăng áp lực lên cây cà phê. Nếu tình trạng này kéo dài sang tháng 6, sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ giảm hơn nưa", báo cáo của Văn phòng.
Sản lượng cà phê của Việt Nam năm nay có thể giảm tới 15% nếu thời tiết khô hạn kéo dài, Văn phòng USDA cho biết.
Theo dự báo trong thời gian 10 ngày (từ 1-10/6) của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lượng mưa sẽ bằng cùng kỳ các năm trước trong khi nhiệt độ tại Đăk Lăk - tỉnh sản xuất cà phê chủ chốt, đóng góp 30% tổng sản lượng - sẽ cao hơn.
Sản lượng cà phê được dự đoán giảm xuống 27,3 triệu bao sẽ khiến xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 2,1 triệu bao xuống 24,5 triệu trong niên vụ 2016-2017, theo Văn phòng USDA.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã vượt mức bình quân 5 năm qua kể từ tháng 3/2016 bất chấp lo ngại thời tiết khô hạn sẽ kéo giảm xuất khẩu.
Tháng 4, xuất khẩu cà phê đạt gần 186.000 tấn, tăng 3% so với tháng 4/2016, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam.
Xuất khẩu tăng chủ yếu do giới thương nhân xả bán lượng cà phê lưu kho từ vụ trước, đạt kỷ lục 29,3 triệu bao.
Bên cạnh đó, thời tiết khô hạn cũng đẩy giá Robusta tăng, tạo động lực cho xuất khẩu. Giá cà phê tại Đăk Lăk đã hồi phục 70% lên khoảng 36.900 đồng/kg kể từ tháng 4/2016.
Văn phòng USDA ước tính lượng cà phê lưu kho của Việt Nam sẽ xuống mức thấp nhất 3 năm ở 3,48 triệu bao do sản lượng giảm vì thời tiết bất lợi.
Giá cà phê Robusta đang có xu hướng tăng trong năm nay khi thị trường lạc quan hơn do khô hạn ảnh hưởng xấu đến Việt Nam - nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới và bang Espirito Santo tại Brazil.
Hiện Việt Nam và Brazil cung cấp khoảng 60% tổng sản lượng Robusta toàn cầu.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát đã phần nào bớt lo ngại về sản lượng Robusta của Việt Nam khi đã xuất hiện những cơn mưa trong tháng 4 với việc Olam International dự đoán sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2016-2017 giảm 5% so với dự đoán giảm 15% đưa ra trước đó.
Ngoài các yếu tố cơ bản và thời tiết, đồng nội tệ real Brazil tăng 4% so với USD từ đầu tháng 6 đến nay cũng hỗ trợ giá cà phê - Brazil hiện là nước sản xuất Robusta lớn thứ 2 thế giới.
Nhật Trường
Nguồn Agrimoney