Gian hàng giới thiệu sản phẩm của DeliFres+. Ảnh: Quý Hòa
Sàn đấu sữa tươi thanh trùng
Trong cuộc thi Vietnam National Latte Art Championship 2023 (VNLC) dành cho giới pha chế (barista) cách đây không lâu, sữa tươi thanh trùng của Vinamilk đã được chọn như một nguyên liệu pha chế.
Chuyển biến của sữa tươi
Vinamilk nhảy vào mảng sữa tươi thanh trùng từ năm 2010 sau khi đã xác lập được vị thế dẫn đầu ngành sữa nước và đạt doanh thu vượt mốc 1 tỉ USD. Từ đó đến nay, mảng sữa tươi thanh trùng của Vinamilk đã tạo được chỗ đứng khi họ là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ ly tâm tách khuẩn đầu tiên tại Việt Nam và cả Đông Nam Á. Ngoài ra, Vinamilk cũng đã gây dựng được đàn bò sữa khoảng 170.000 con ở 13 trang trại.
Chậm chân hơn Vinamilk nhưng nhắc đến sữa tươi thanh trùng là người tiêu dùng lại nhớ đến TH True Milk khi thương hiệu này cách đây nhiều năm đã tung ra sản phẩm sữa tươi thanh trùng và quảng cáo “sữa tươi sạch thanh trùng chuẩn quốc tế duy nhất tại thị trường Việt Nam”. Theo đại diện TH True Milk, sản lượng và thị phần mảng sữa tươi thanh trùng của Công ty trong các năm gần đây đều tăng trưởng trung bình 2 con số.
Sữa Ba Vì cũng mở rộng mảng sữa tươi thanh trùng. Nhưng nổi bật nhất và trong Top 2 mảng sữa thanh trùng phải kể đến Lothamilk và Dalatmilk. Nếu Dalatmilk tung ra sản phẩm sữa tươi thanh trùng vào năm 2009, thì Lothamilk đã bắt tay ngay vào sản xuất sữa tươi thanh trùng sớm hơn, không lâu sau khi Công ty đi vào hoạt động (năm 1997). Cả 2 đều tìm cách chinh phục khách hàng, từ khách hàng cá nhân, gia đình đến giới barista. Dalatmilk đang được các chuỗi khách sạn, resort cao cấp (như Lotte, Pullman, Vinpearl....) và chuỗi cà phê cao cấp (như Starbucks Coffee, The Coffee House, Highlands Coffee...) chọn sử dụng.
Tuy nhiên, tất cả các công ty kể trên đều không tập trung hoàn toàn vào mảng sữa tươi thanh trùng mà sản xuất kinh doanh cả sữa tiệt trùng. Chỉ DeliFres+ chọn làm sữa thanh trùng. Nhưng ông Mai Đức Tuyên, sáng lập kiêm Tổng Giám đốc của Good Food For Life, chủ thương hiệu DeliFres+, có lý do để theo đuổi thị trường này. Bởi vì việc tập trung hoàn toàn vào sữa thanh trùng chất lượng sẽ giúp DeliFres+ làm tốt phân khúc cao cấp và tránh đối đầu trực diện với các đối thủ lớn như Vinamilk, TH True Milk.
Một lý do khác để DeliFres+ và các hãng sữa lạc quan là sản lượng sữa tươi nội địa mới chỉ đáp ứng 40-50% nhu cầu trong nước, còn lại vẫn phải nhập khẩu. Ngoài ra, tiềm năng ngành sữa còn đến từ tình hình tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam còn thấp, mới chỉ đạt 28 lít vào năm 2021, thấp hơn Thái Lan (35 lít) và Singapore (45 lít). Research and Markets dự báo đến năm 2030 mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam có thể đạt 40 lít/người/năm.
Trong đó, sữa thanh trùng được các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định là có khả năng giữ lại lượng vitamin, khoáng chất từ bò sữa trọn vẹn nhất. Vì thế, hiện tại, ở châu Âu và Mỹ, người dân có thói quen dùng sữa thanh trùng mỗi ngày như một khẩu phần không thể thiếu.
Thách thức mở rộng
Hiệp hội Sữa Việt Nam khẳng định, nhu cầu về sữa thanh trùng ngày càng tăng do thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bổ dưỡng. Đặc biệt, Kantar Worldpanel đã chỉ ra rằng, sữa nước có tính cạnh tranh ít hơn so với sữa bột khi doanh nghiệp trong nước có lợi thế về nguồn cung.
Dù có những cơ sở tin tưởng nhưng bước đi chỉ tập trung vào sữa thanh trùng của DeliFres+ vẫn được xem là táo bạo. Bởi sữa thanh trùng là lĩnh vực yêu cầu sản phẩm phải được bảo quản lạnh liên tục ở môi trường 2-6 độ C với hạn sử dụng tối đa chỉ trong khoảng 10-12 ngày. Với thời hạn sử dụng ngắn ngủi này, các công ty gặp áp lực phải chạy đua quyết liệt từ khâu sản xuất đến phân phối. Vì thế, IDP hướng nhãn hàng Ba Vì đến sữa công thức hơn là sữa thanh trùng. Từng đối diện với áp lực dư thừa lượng bò sữa thu mua và phải đổ bỏ mỗi ngày 3,5-4 tấn sữa, 7-8 năm trước, Dalatmilk đã xem xét đến việc phải đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới, thay đổi công nghệ...
DeliFres+ thì quyết định tìm nguồn nguyên liệu sữa ngay gần nơi sản xuất và tiêu thụ. Hãng đã bắt tay với trại bò sữa công nghệ cao tại Bình Dương để mua nguyên liệu sữa và chế biến ở nhà máy Củ Chi. Công ty cũng tự thiết lập mảng logistics lạnh riêng. Tất cả các đầu tư này đều tốn kém và đòi hỏi dài hạn. “Đầu tư vào lĩnh vực sữa tươi thanh trùng là phải nhìn vào dài hạn, trong mục tiêu mở rộng hơn”, lãnh đạo DeliFres+ nói.
Thách thức khác trong lĩnh vực sữa tươi thanh trùng là hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, giá cả đắt hơn sữa tươi tiệt trùng cũng là một trở ngại. Dù vậy, ông Tuyên cho biết: “Vì hướng đến phân khúc trung cao cấp nên câu chuyện giá cả lại không phải là trở ngại. Chưa kể, theo thời gian, mức chênh lệch này sẽ rút ngắn lại”.
Tuy vậy, DeliFres+ vẫn trong giai đoạn đầu tư, xây dựng các nền tảng để đến năm 2030, hãng này dự kiến mở rộng quy mô. Do đó, vốn cho đầu tư sẽ là bài toán thách thức. Đây cũng là bài toán của các hãng sữa khác khi theo đuổi thị trường này. Tập đoàn TH đã tìm cách xây hệ sinh thái đa dạng và đặt mục tiêu vươn lên Top 3 trong 3-5 năm tới. Còn Dalatmilk dự tính sẽ từng bước tiến tới Top 1 ngành sữa tươi thanh trùng. Mặc dù vậy, các tham vọng này đều đương đầu với trở ngại ngành sữa đang bão hòa sau giai đoạn tăng trưởng mạnh, doanh thu có dấu hiệu chững lại.