Sân chơi siêu thị: Kẻ ở người đi
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng song Tập đoàn Casino (Pháp), sở hữu siêu thị Big C, vẫn quyết định rút lui khỏi thị trường này. Đây là tập đoàn bán lẻ thứ 2 công bố ý định rút lui khỏi thị trường Việt, bên cạnh Metro Cash & Carry (Đức), trong lúc nhiều nhà bán lẻ châu Á tỏ vẻ “thèm khát”.
Nhà đầu tư rút lui khi thị trường không còn hấp dẫn là chuyện bình thường. Tuy nhiên, hiện tượng hàng loạt siêu thị quy mô lớn, như Maximark, Metro, Big C, liên tiếp đổi chủ còn thể hiện rằng kinh doanh siêu thị ở Việt Nam là không đơn giản.
Kinh doanh không dễ
Sau 17 năm gia nhập thị trường Việt, Big C đang có chỗ đứng khá tốt. Kiên trì với mô hình siêu thị, đại siêu thị nhưng Big C vẫn nhanh nhạy mở thêm kênh siêu thị tiện lợi C Express, chuỗi bán lẻ truyền thống New Chợ và bán lẻ trực tuyến. Tính đến thời điểm hiện tại, Big C có khoảng 32 siêu thị và 10 cửa hàng tiện lợi.
Big C chọn hướng bán sản phẩm giá rẻ hơn thị trường, thể hiện qua khẩu hiệu “Big C cam kết tặng sản phẩm miễn phí, nếu khách hàng tìm được giá rẻ hơn tại nơi khác”. Siêu thị cũng tiên phong trong việc làm nhãn hàng riêng và vươn ra các tỉnh xung quanh, thay vì tập trung vào 2 đô thị lớn.
Dù nắm giữ vị trí số 2 trên thị trường, Big C còn cách khá xa Co.opmart về quy mô lẫn doanh thu. Theo Tạp chí Retail Asia, năm 2014, doanh thu của hệ thống Big C đạt 546 triệu USD, chỉ bằng khoảng 50% so với Co.opmart. Xếp sau Big C là nhiều siêu thị nhỏ hơn (về quy mô mạng lưới) của khối nội và khối ngoại, có thể kể đến Metro, Maximark, Fivimart, Citimart, Intimex...
Dù đang có vị thế tốt trong lĩnh vực siêu thị, Casino vẫn quyết định rút lui khỏi thị trường Việt Nam. Theo thông cáo, việc này nằm trong kế hoạch tái cấu trúc tài chính và thoái vốn khỏi những thị trường không trọng điểm. Hiện doanh thu Big C Việt Nam chỉ bằng khoảng 16% so với Big C Thái Lan và đóng góp khá nhỏ vào doanh thu của Tập đoàn Casino.
Cũng có thể khó khăn của ngành bán lẻ là tác nhân khiến Casino rút vốn? Ngành bán lẻ đang thường xuyên đối mặt với vấn đề chi phí cao, quản lý tồn kho khó khăn, tỉ lệ lợi nhuận thấp, thói quen mua hàng tại chợ truyền thống còn phổ biến... Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu Thị trường Kantar Panel, trong 3 năm qua, thị phần của kênh bán hàng hiện đại gần như đứng yên, khoảng 17%.
Những tay chơi mới
Trong khi Casino thoái lui, nhiều tay chơi mới lại thể hiện quyết tâm thâm nhập, chiếm lĩnh lĩnh vực siêu thị. Đối với những nhà đầu tư mới, Big C sẽ là “miếng bánh” hấp dẫn.
Auchan, “đồng hương” với Casino, là một trong các nhà đầu tư ngoại đang tiến vào. Nghiên cứu thị trường từ năm 2011 nhưng mãi đến năm 2014, Auchan mới bắt đầu triển khai chuỗi Simply Mart tại TP.HCM và dự kiến mở tại Hà Nội vào đầu năm 2016. Auchan đặt mục tiêu phủ kín phía Bắc với chuỗi 20 siêu thị vào năm 2020.
Trong lúc nhà đầu tư từ Pháp xuôi ngược tại Việt Nam thì nhà đầu tư châu Á vẫn tiếp tục đào kênh phân phối. Tương đồng văn hóa, thói quen mua sắm, Nhật, Hàn Quốc và Thái Lan mong muốn thiết lập sẵn sàng kênh phân phối cho hàng hóa do mình sản xuất. Trong số này, dường như người Thái có tham vọng bành trướng thông qua M&A lớn nhất. Vì thế, nhiều người đồn đoán Big C sẽ vào tay người Thái.
Trước đây, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) mua lại hệ thống FamilyMart, đổi tên thành B’mart. Sau đó, BJC mua Metro nhưng chưa có kết quả cuối cùng. Central Group mua 49% siêu thị điện máy Nguyễn Kim và gần đây, triển khai mạnh hệ thống bán lẻ thời trang Robins, SuperSports, Crocs và New Balance.
Trong khi đó, Tập đoàn C.P tại Việt Nam cũng đang đầu tư nhiều hơn vào hệ thống bán lẻ. Bên cạnh hệ thống bán lẻ thực phẩm tươi sống gồm C.P Shop, Fresh Mart, gần đây, C.P triển khai mô hình nhượng quyền bán lẻ thức ăn nhanh Five Star cho các hộ kinh doanh nhỏ, phục vụ món gà rán, gà quay như KFC, Lotteria. Có thể nói, hệ thống bán lẻ của C.P hiện nay chủ yếu tạo đầu ra cho hệ thống sản xuất của mình.
Người Nhật cũng không kém cạnh trong hoạt động M&A. Aeon đã mua lại và đổi tên một số siêu thị của Fivimart, Citimart. Hồi tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Seven & i Holdings thông báo kế hoạch đưa cửa hàng tiện ích 7-Eleven về Việt Nam vào năm 2017.
Các tập đoàn Hàn Quốc như Lotte và Emart cũng đang phát triển dự án riêng. Emart (Hàn Quốc) mới vừa chính thức khai trương trung tâm thương mại đầu tiên tại TP.HCM. Gần đó, siêu thị Lottemart, Maximark cũng đang gấp rút hoàn thiện.
Thị trường Việt Nam đang hấp dẫn với dân số trẻ và đông đúc. Dự báo trong 3 năm tới, số lượng siêu thị dự kiến tăng 40%, trong khi cửa hàng tiện lợi tăng gấp 3 lần so với hiện nay. Tất cả các nhà đầu tư vừa được nhắc đến đều công bố kế hoạch đầu tư lâu dài. Thống kê của Bộ Công Thương cho biết, cả nước hiện có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại.
Theo chia sẻ của đại diện Big C, dù Casino ra đi thì Big C vẫn không thay đổi hoạt động của mình tại Việt Nam. Tuy nhiên, rất khó để biết thời điểm Casino bán được Big C, nếu nhìn lại thương vụ Metro, vì còn liên quan đến mức giá và rủi ro trong hoạt động. Casino nêu giá khoảng 810 triệu USD, thấp hơn mức định giá 879 triệu USD của Metro.
Tất nhiên, thương vụ Big C cũng hấp dẫn không ít nhà đầu tư nội địa có tiềm lực và tham vọng. Trong nhóm nhà đầu tư nội địa, Vingroup đang nổi lên rất nhanh sau khi mua lại nhiều siêu thị và thiết lập khá nhiều cửa hàng bán lẻ mang thương hiệu VinMart.
Sau khi tập trung thiết lập các trung tâm thương mại phức hợp, chuỗi cửa hàng tiện ích, các nhà đầu tư bán lẻ đang cần hoàn thiện mô hình bán lẻ, kênh phân phối của mình bằng những “mảnh ghép” đại siêu thị như Big C.
Thanh Phong