Sân chơi Đông Nam Á và cơ hội cho gạo Việt Nam
FAO ước tính sản lượng lúa của châu Á năm 2013 đạt 675,8 triệu tấn (450,7 triệu tấn gạo), tăng 1% so với năm 2010. Sản lượng lúa của châu lục này dự báo sẽ tăng thêm 3,7 triệu tấn lên 679,5 triệu tấn năm 2014 (451,3 triệu tấn gạo).
Sản lượng lúa của các nước ASEAN đạt 222,87 triệu tấn năm 2013 và tăng lên 223,13 triệu tấn năm 2014, trong đó đáng kể nhất là Indonesia với 71,3 triệu tấn năm 2013 và 72 triệu tấn năm 2014, Việt Nam với 44,1 triệu tấn năm 2013 và 44,2 triệu tấn năm 2014 và Thái Lan với 38,2 triệu tấn năm 2013 và 37,5 triệu tấn năm 2014.
Theo ước tính của FAO, năm 2013 xuất khẩu lúa gạo của châu Á đạt 29,6 triệu tấn, con số này tăng lên 31,5 triệu tấn trong năm 2014.
Năm 2014 châu Á nhập khẩu 18,3 triệu tấn,tăng khoảng 8,3% so với 16,9 triệu tấn năm 2013 với các nước nhập khẩu chủ yếu trong năm 2014 gồm Trung Quốc 3,3 triệu tấn, Indonesia 1,1 triệu tấn 2014, Malaysia 1,1 triệu tấn, và Philippines 1,2 triệu tấn.
Sản xuất và thương mại lúa gạo các nước Đông Nam Á
Thái Lan
Sản lượng lúa của Thái Lan được dự đoán đạt 38,8 triệu tấn (26 triệu tấn gạo) trong niên vụ 2014-2015 (tháng 1/2014-tháng 12/2014), tăng nhẹ so với 38,79 triệu tấn năm 2013-2014, mặc dù diện tích gieo cấy giảm 1% xuống 12,88 triệu ha từ 12,97 triệu ha năm 2013, theo số liệu của Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp Thái Lan (OAE).
Theo số liệu của FAO, sản lượng lúa năm 2013 của Thái Lan đạt 38,2 triệu tấn, và giảm nhẹ xuống 37,5 triệu tấn năm 2014.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự đoán, sản lượng lúa của Thái Lan năm tài khóa 2013-2014 (tháng 1 – tháng 12/2014) đạt 31 triệu tấn (20,5 triệu tấn gạo), tăng 1,5% so với 30,6 triệu tấn lúa (20,2 triệu tấn gạo) năm 2012-2013.
Xuất khẩu gạo trắng đạt 1,79 triệu tấn, chiếm 47% tổng lượng xuất khẩu; gạo Hom Mali đạt 552.279 tấn, chiếm 14%; gạo tấm đạt 473.870 tấn, chiếm 12%; gạo nếp 70.732 tấn, chiếm 2%.
Về giá trị, Thái Lan thu về 63.076 triệu baht từ xuất khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm 2014, tăng 19% so với 52.986 triệu baht cùng kỳ năm 2013. Tính theo USD, xuất khẩu gạo của Thái Lan đạt 1.938 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2014, tăng 8% so với 1.787 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.
Sau một thời gian tạm ngừng bán gạo để kiểm tra kho dự trữ trên toàn quốc, bắt đầu từ tháng 8, Thái Lan sẽ lại mở bán gạo từ kho dự trữ quốc gia, theo quyền Cục trưởng Cục Ngoại thương, Bộ Thương mại Thái Lan.
Theo ước tính của FAO, năm 2014 Thái Lan sẽ xuất khẩu 8,7 triệu tấn gạo, tăng 30% so với 6,7 triệu tấn gạo năm 2013.
Trong khi đó, USDA ước tính xuất khẩu gạo của Thái Lan năm 2014 ước đạt 9 triệu tấn, tăng 34% so với năm 2013. Còn Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) ước tính xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ tăng lên 9,2 triệu tấn trong năm 2014.
Malaysia
FAO dự báo sản lượng lúa năm 2014 của Malaysia dự báo tăng lên kỷ lục 2,7 triệu tấn (khoảng 1,755 triệu tấn gạo), tăng 3% so với 2,63 triệu tấn năm 2013 chủ yếu do năng suất cao hơn nhờ thời tiết thuận lợi và sự hỗ trợ của chính phủ đối với ngành lúa gạo, kể cả việc cung cấp các khoản trợ cấp về đầu vào và máy móc nông nghiệp.
Cũng theo ước tính của FAO, nhập khẩu gạo của Malaysia năm tài khóa 2014-2015 (tháng 6/2014 – tháng 6/2015) đạt 1,1 triệu tấn, tăng 10% so với 1 triệu tấn năm 2013-2014, bất chấp sản lượng lúa gạo nội địa tăng.
Trong khi đó, USDA ước tính năm 2013-2014 (tháng 1-tháng 12/2014) Malaysia sản xuất khoảng 2,7 triệu tấn lúa (1,76 triệu tấn gạo), tăng 4% so với 2,61 triệu tấn lúa (1,69 triệu tấn gạo) năm 2013. Sản lượng lúa của Malaysia năm 2014-2015 được dự báo tăng lên 2,77 triệu tấn (1,8 triệu tấn gạo).
Theo số liệu của UMNO, năm 2013, Malaysia nhập khẩu 658.120 tấn gạo từ Việt Nam, giảm 14% so với 746.692 tấn năm 2012. Hiện Malaysia đang tạm ngừng nhập khẩu gạo từ Thái Lan do giá cao. Bên cạnh đó, Malaysia đã ký biên bản ghi nhớ với Việt Nam để tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam và tăng kim ngạch thương mại song phương lên 11 tỷ USD vào năm 2015 so với 9 tỷ USD hiện tại. Mới đây, Malaysia đã ký hợp đồng nhập khẩu 200.000 tấn gạo 5% tấm từ Việt Nam với giá 410 USD/tấn (FOB) với thời gian giao hàng dự kiến trong tháng 7 và tháng 8/2014.
Theo số liệu của Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), nhập khẩu gạo của Malaysia từ Thái Lan năm 2010 đạt 183.677 tấn, năm 2011 đạt 330.832 tấn, năm 2012 đạt 69.686 tấn và 155.230 tấn năm 2013.
Campuchia
Theo số liệu của FAO, sản lượng lúa cả 2 vụ năm 2014-2015 của Campuchia đạt 9,5 triệu tấn (6 triệu tấn gạo), tăng 1% so với 9,4 triệu tấn năm 2013-2014.
USDA ước tính Campuchia sản xuất 7,66 triệu tấn lúa (4,9 triệu tấn gạo) năm 2014-2015, tăng 4% so với 7,38 triệu tấn năm 2013-2014.
Theo số liệu của Văn phòng Dịch vụ Một cửa Thủ tục Xuất khẩu lúa gạo (SOWS-REF), nửa đầu năm 2014, xuất khẩu gạo của Campuchia đạt 177.928 tấn, tăng 1% so với 175.959 tấn cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 6, xuất khẩu gạo của Campuchia đạt 29.666 tấn, tăng 2% so với 29.105 tấn tháng 6/2013 và tăng 6% so với 27.971 tấn tháng 5/2014. Loại gạo xuất khẩu chủ yếu là gạo trắng hạt dài (12.282 tấn) và gạo thơm jasmine (10.511 tấn).
Theo số liệu của FAO, xuất khẩu gạo của Campuchia năm 2014 ước đạt 1,3 triệu tấn, tăng so với 1,2 triệu tấn năm 2013.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính Campuchia sẽ xuất khẩu 1 triệu tấn gạo trong năm 2014, kể cả xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch sang Việt Nam.
Lào
Tại Lào, các cơn mưa trong mùa mưa đến chậm có khả năng tác động mục tiêu đạt sản lượng lúa từ 3,8-4 triệu tấn tấn (khoảng 2,5-2,6 triệu tấn gạo) trong năm 2014 của nước này.
Chính phủ Lào đặt mục tiêu đạt sản lượng lúa khoảng 3,2 tấn/ha trong năm 2014 với điều kiện không có thiên tai.
Hàng năm, ngành nông nghiệp của Lào thường chịu ảnh hưởng của thiên tai như lũ lụt và hạn hán. Năm 2013 diện tích gieo cấy của Lào đạt 720.000 ha, sản lượng 2,9 tấn/ha nhưng gần 45.500 ha ảnh hưởng của lũ lụt, gây thiệt hại hàng nghìn tấn lúa.
Theo FAO, sản lượng lúa của Lào năm 2014 ước đạt 3,2 triệu tấn, giảm nhẹ so với 3,3 triệu tấn năm 2013. Trong khi đó, USDA ước tính sản lương lúa của Lào đạt 2,325 triệu tấn (1,465 triệu tấn gạo) trong năm 2013-2014. Tiêu thụ lúa gạo của Lào hiện ở mức 1,55 triệu tấn.
Indonesia
Cục Thống kê trung ương Indonesia (BRS) hôm 1/7 ước tính sản lượng lúa năm 2014 của nước này sẽ giảm xuống 69,8 triệu tấn, giảm 2% so với 71,28 triệu tấn năm 2013. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Indonesia cho biết, sản lượng giảm không có nghĩa là phải nhập khẩu.
BRS cho rằng sản lượng lúa giảm là do diện tích gieo cấy và năng suất giảm. Diện tích gieo cấy năm 2014 của Indonesia ước đạt 13,57 triệu ha, giảm 2% so với 13,84 triệu ha năm 2013.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp cho biết, trữ lượng gạo trong kho của Indonesia hiện đạt 1,6 triệu tấn và tổng nguồn cung sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu.
FAO ước tính sản lượng lúa năm 2014 của Indonesia đạt 72 triệu tấn (45,36 triệu tấn gạo), tăng 1% so với 71,3 triệu tấn (45 tấn gạo) năm 2013.
USDA ước tính sản lượng gạo của Indonesia năm 2014 đạt 37,355 triệu tấn và nhập khẩu 1,5 triệu tấn. Tiêu thụ gạo năm 2014 của Indonesia dự đoán tăng 1% lên 38,65 triệu tấn, tăng so với 38,127 triệu tấn năm 2013.
Philippines
Theo số liệu của FAO, sản lượng lúa của Philippines năm 2014 ước đạt 19,3 triệu tấn, tăng 2,1% so với 18,9 triệu tấn năm 2013.
Năm nay, Philippines có thể xem xét nhập khẩu thêm gạo, đồng thời dừng chương trình trợ cấp cho người trồng lúa. Ngoài ra, chính phủ nước này đã hủy bỏ kế hoạch tự túc 100% lúa gạo vào năm 2016. Dự trữ gạo tính đến 1/6/2014 của Philippines đạt 2,32 triệu tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong một động thái khác, Philippines đã giảm thuế đối với gạo nhập khẩu theo Khối lượng truy cập tối thiểu (MAV) xuống 35% từ mức 40% trước đó.
Chính phủ Philippines quyết định tăng nhập khẩu gạo theo hạn ngạch MAV lên 805.000 tấn từ mức 350.000 tấn hiện tại, sau khi Ủy ban về Thương mại và Hàng hóa (CTG) thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chấp thuận tiếp tục hạn chế định lượng (QRs) nhập khẩu gạo cho đến tháng 6/2017.
USDA ước tính Philippines sẽ nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo trong năm tài khóa 2013-2014 (tháng 7 – tháng 6 năm sau), trong khi đó, theo ước tính của FAO, nhập khẩu gạo của Indonesia đạt khoảng 1,2 triệu tấn gạo trong năm 2014 (tháng 1 – tháng 12), tăng 71,4% so với 0,7 triệu tấn năm 2013.
Việt Nam
FAO ước tính sản lượng lúa của Việt Nam năm 2014 đạt 44,2 triệu tấn (khoảng 27,6 triệu tấn gạo), tăng nhẹ so với 44 triệu tấn (27,5 triệu tấn gạo) năm 2013. Tổ chức này cũng ước tính sản lượng lúa vụ đông xuân 2014 của Việt Nam (tháng 11/2013 – tháng 4/2014) đạt 20,3 triệu tấn, tương đương năm 2013 bất chấp việc chuyển đổi một số diện tích sang các loại cây trồng khác nhờ năng suất cao hơn, điều kiện thời tiết thuận lợi và nguồn cung nước đầy đủ.
Theo ước tính của USDA, sản lượng lúa niên vụ 2013-2014 (tháng 1 – tháng 12/2014) của Việt Nam đạt 44,48 triệu tấn (khoảng 27,8 triệu tấn gạo), tăng 1% so với 44 triệu tấn (27,5 triệu tấn gạo) năm 2013. Sản lượng lúa vụ đông xuân đạt 20,41 triệu tấn (12,76 triệu tấn gạo), tăng 1% so với 20,25 triệu tấn năm 2013.
Theo Bộ NN&PTNN, năng suất trung bình vụ đông xuân năm 2014 đạt 6,7 tấn/ha, tăng 4% so với 6,4 ha/tấn năm 2013 và diện tích gieo cấy cả nước tăng nhẹ lên 3,12 triệu ha.
Sản lượng gạo tại ĐBSCL vụ đông xuân 2013-2014 (gieo cấy tháng 11, 12 và thu hoạch vào tháng 3, 4 năm tiếp theo) ước đạt 11 triệu tấn, tăng 10,8 triệu tấn năm 2012-2013, chủ yếu nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến cũng như chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. ĐBSCL chiếm 56% sản lượng lúa gạo cả nước và 90% khối lượng gạo xuất khẩu.
Trái ngược với FAO, theo dự báo của USDA, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2014 đạt 6,5 triệu tấn, giảm 3% so với 6,7 triệu tấn năm 2013.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNN, 4 tháng đầu năm 2014, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam. Cùng kỳ xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này đạt 913.957 tấn, chiếm 42% tổng khối lượng gạo xuất khẩu, tăng 2,4% so với 892.536 tấn cùng kỳ năm 2013. Dự kiến xuất khẩu cả năm sang Trung Quốc sẽ đạt khoảng 1,7-1,8 triệu tấn
Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 10 ngày đầu tháng 7, xuất khẩu gạo cả nước đạt 179.017 tấn, trị giá FOB đạt 80,585 triệu USD, trị giá CIF 84,199 triệu USD. Tổng khối lượng xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 10/7 đạt 3,182 triệu tấn, trị giá FOB 1,377 tỷ USD, trị giá CIF 1,451 tỷ USD.
Châu Á tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam với 123,600 tấn, chiếm 69,1% tổng khối lượng xuất khẩu, tiếp đến là châu Mỹ với 37.000 tấn, chiếm 20,77%, và châu Phi với 10.917 tấn, chiếm 6,1%.
Lợi thế của Việt Nam
Hiện tại xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng có lợi thế và sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhanh chóng tiêu tan khi nhiều nước khác cũng đang cần nhập khẩu gạo từ Việt Nam với số lượng lớn.
Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng và giá gạo luôn ở mức cao, cuối năm 2013 Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) buộc phải nhập khẩn cấp 500.000 tấn gạo từ Việt Nam. Khi những lô hàng cuối cùng của hợp đồng này đến Philippines vào tháng 3/2014, NFA lại đấu thầu nhập khẩu tiếp 800.000 tấn gạo.
Và mới đây nhất, trong khi hợp đồng nhập khẩu 800.000 tấn gạo của Việt Nam mới đi được nửa chặng đường, Chính phủ Philippines quyết định nhập khẩu tiếp 200.000 tấn gạo của Việt Nam. Tổng số gạo thực nhập của Philippines từ Việt Nam trong năm nay lên mức 1,4 triệu tấn.
Trong khi đó, một trong những đối thủ đáng gờm nhất của gạo xuất khẩu Việt Nam, Thái Lan đã quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo, tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Chính quyền Quân sự Thái Lan (CNPO) đã ra lệnh tạm dừng xuất gạo ra khỏi các kho dự trữ để kiểm kê nhằm đánh giá chính xác số lượng và chất lượng gạo còn lại trong kho. Việc này khiến nguồn cung gạo từ Thái Lan đột ngột bị cắt đứt, các công ty XK gạo của Thái Lan buộc phải ngừng chào giá các hợp đồng mới và giá gạo Thái Lan tăng vọt. Trước tình hình này, các nước ồ ạt chuyển sang mua gạo Việt Nam. Ngay cả Malaysia, nước đang có hợp đồng nhập khẩu 800.000 tấn từ Thái Lan, cũng không dám mạo hiểm chờ đợi mà phải chuyển qua Việt Nam để mua ngay 200.000 tấn, giao hàng vào tháng 7-8/2014.
Nguồn Theo DVO/Gafin