Theo dự báo của Hiệp hội Hàng không Quốc tế, đến năm 2035, hàng không Việt Nam sẽ phục vụ 136 triệu lượt hành khách và đóng góp 23 tỉ USD vào GDP. Ảnh: TL.
Sân bay tư nhân: Thêm 1, bớt 2
Trước khi đại dịch diễn ra, hàng không Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ liên tục đạt mức 2 con số, trung bình 15,8%/năm.
Nhu cầu lớn
Theo dự báo của Hiệp hội Hàng không Quốc tế, đến năm 2035, hàng không Việt Nam sẽ phục vụ 136 triệu lượt hành khách và đóng góp 23 tỉ USD vào GDP. Hiện Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới sau đại dịch. Với đà phục hồi như hiện nay, dự báo hàng không Việt Nam sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng như trước dịch.
Tuy nhiên, so với các quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực, số lượng sân bay của Việt Nam còn rất hạn chế. Hiện cả nước có 22 cảng hàng không đang khai thác, trong đó 20 cảng có nguồn gốc là sân bay quân sự được cải tạo, nâng cấp thành sân bay dân dụng. Chỉ có một cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh) do Sun Group đầu tư.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 28 sân bay, bao gồm 14 sân bay quốc tế và 14 sân bay quốc nội. Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ có 31 sân bay, gồm 14 sân bay quốc tế và 17 sân bay quốc nội.
Số sân bay của Việt Nam còn thua kém các quốc gia trong khu vực như Thái Lan với 38 sân bay; Malaysia có 66 sân bay với 38 sân bay thương mại; Philippines có 70 sân bay, Indonesia có ít nhất 683 sân bay với 34 sân bay thương mại... Nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không của Việt Nam vẫn là miếng bánh lớn chưa khai thác hết. Điều này kéo theo dư địa phát triển các cảng hàng không cũng rất dồi dào.
Chưa bao giờ hạ tầng hàng không tại Việt Nam được “hâm nóng” như giai đoạn vừa qua. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cảnh báo không cẩn thận sẽ “lạm phát” sân bay. Trong 1 tháng sau khi Tuyên Quang, Sơn La, Kon Tum đồng loạt có văn bản đề xuất bổ sung quy hoạch cảng hàng không thêm các sân bay Na Hang, Mộc Châu, Măng Đen, thì tỉnh Hà Giang tiếp tục đề xuất đưa sân bay Tân Quang vào quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Chỉ tính từ cuối năm 2019 đến nay, đây đã là lần thứ 3 địa phương này thể hiện mong muốn có sân bay để đột phá du lịch, kinh tế.
Tìm mô hình chuẩn
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về phát triển sân bay. Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TP.HCM, quy hoạch mạng lưới sân bay trên cả nước cần phải được xây dựng một cách hợp lý, có cơ sở khoa học, có lý luận và quan trọng nhất phải đưa ra định lượng rõ ràng về năng suất sân bay, nhu cầu thật hay ảo, chứ không thể cứ mơ hồ rồi đề xuất.
Hiện chỉ có một số sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất có lãi, còn lại hầu như lỗ. Vậy nên cần hết sức cẩn trọng và để minh chứng rằng một sân bay sau khi đầu tư có thể có lãi thì cần điều tra kinh tế, kỹ thuật và xã hội một cách rõ ràng, cũng như có hội đồng chuyên gia giám định trước khi quyết định đầu tư.
Theo ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam, điều quan trọng cần xem xét khi xây dựng sân bay là chi phí đầu tư ban đầu, đội vốn do trì hoãn thi công, tăng giá vật liệu xây dựng và quản lý phù hợp. Đặc biệt, nhà đầu tư, địa phương cần có kế hoạch làm thế nào để tối đa hóa doanh thu từ các khu vực thương mại trong và xung quanh sân bay. Hiện mô hình thường được các bên áp dụng là PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công - tư), như sân bay Cam Ranh ở Việt Nam, Phnom Penh, Siem Riep. Mô hình này chuyển bớt gánh nặng từ ngân sách nhà nước, địa phương lên vai các nhà đầu tư tư nhân.
Phần lớn chuyên gia đều cho rằng khi huy động tư nhân tham gia đầu tư xây dựng sân bay, cần phải có khung pháp lý rõ ràng. Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel, cho rằng khi khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng sân bay phải rất hài hòa các lợi ích. Tư nhân luôn tính đến hiệu quả, nhanh thu hồi vốn nên họ sẽ cần cơ chế chính sách vừa khuyến khích nhưng cũng phải minh bạch.
Các chuyên gia cho rằng, giờ là thời điểm khu vực doanh nghiệp tư nhân tham gia vào đầu tư sân bay. Ảnh: TL. |
Thời gian qua, Chính phủ đã phân cấp, phân quyền cho các địa phương để chủ động hơn trong đầu tư xây dựng sân bay và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Ông Vaibhav Saxena, Luật sư Công ty Luật VILAF, cho rằng nếu cơ chế pháp lý được xây dựng tốt tạo điều kiện cho việc huy động vốn của dự án, nhà đầu tư sẽ sẵn sàng bỏ vốn lớn.
Các nhà đầu tư đang tìm hiểu, phân tích khả năng tư nhân tham gia vào những dự án hạ tầng, cũng như tham gia thông qua mô hình PPP. Các chuyên gia cho rằng, giờ là thời điểm khu vực doanh nghiệp tư nhân tham gia vào đầu tư sân bay. Chính phủ nên có chính sách khuyến khích, kêu gọi hợp tác PPP để nhanh chóng thúc đẩy mạng lưới sân bay tại địa phương, tạo cú hích đột phá kinh tế và du lịch.