Bloomberg
Samsung S9, S9+ và câu chuyện "Made in Việt Nam"
Samsung ra mắt bộ đôi sản phẩm Galaxy S9 và S9+ trước thềm Triển lãm Di động Toàn cầu, diễn ra tại Barcelona (Tây Ban Nha). Sự kiện này đáng chú ý hơn khi có 100 nhân viên của nhà máy Samsung tại Việt Nam tham dự. Đây cũng là lần đầu tiên, Samsung cử các nhân viên ưu tú của hai nhà máy SEV tại Bắc Ninh và và SEVT tại Thái Nguyên tham dự sự kiện Unpacked 2018 - Ra mắt Bộ đôi siêu phẩm Galaxy S9/S9+.
“Các sản phẩm Galaxy S9 và S9+ do người Việt Nam sản xuất sẽ được xuất khẩu đi 128 nước trên toàn thế giới”, ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc của Samsung Electronics Việt Nam, cho biết trên báo chí.
Được biết, hai nhà máy của Samsung tại Việt Nam là SEV và SEVT sẽ đảm nhiệm việc sản xuất hơn 50% tổng sản lượng Galaxy S9 và S9+ của Samsung trên toàn cầu. Điều này mang lại điều tự hào cho cơ sở sản xuất của Samsung tại Việt Nam nhưng cũng đặt ra băn khoăn "yếu tố Việt Nam" chiếm bao nhiêu phần trăm trong các sản phẩm công nghệ cao của Samsung?
Từ năm 2008, Samsung chính thức đầu tư nhà máy sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của hãng trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam là hơn 17 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 160.000 người lao động. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Samsung trong năm 2017 là hơn 54 tỷ USD, đóng góp hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Vì thế, có thể thấy nền kinh tế Việt Nam đang ảnh hưởng nhiều bởi tốc độ tăng trưởng của các tổ hợp sản xuất của Samsung tại Việt Nam. Tuy nhiên, lâu nay vẫn có nhiều băn khoăn về việc Samsung còn đóng góp ít giá trị cho kinh tế Việt Nam do được miễn giảm thuế rất lớn.
Bên cạnh đó là tranh luận có nên coi sản phẩm của Samsung sản xuất tại nhà máy ở Việt Nam có nên gọi là “Made in Việt Nam” hay không khi các nhà cung cấp nội địa còn khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu cung cấp ốc vít cho nhà máy Samsung.
Thực tế, đa số đầu vào cho việc sản xuất sản phẩm của Samsung đều đến từ các nước khác. Phần đóng góp cho giá trị gia tăng của sản phẩm từ Việt Nam rất nhỏ. Con số gần đây nhất cho thấy tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm tại Việt Nam của hãng này đã tăng từ 35% năm 2014 lên 57% tại thời điểm tháng 4/2017. Cách tính tỉ lệ nội địa hóa là tỉ lệ trên tổng giá trị một sản phẩm Samsung được tạo ra tại Việt Nam (bao gồm cả chi phí nhân công, linh kiện do các nhà cung cấp nội địa và nước ngoài làm ra tại Việt Nam).
Trong số 201 nhà cung cấp nội địa của Việt Nam năm 2017, có 23 doanh nghiệp là vendor cấp 1 và 178 doanh nghiệp là vendor cấp 2 (tức cung cấp cho Samsung qua các vendor cấp 1). Từ góc độ thương mại quốc tế, với yêu cầu phải chỉ rõ xuất xứ sản phẩm thì hàng của Samsung sản xuất tại Việt Nam hoàn toàn có thể ghi đó là mặt hàng có xuất xứ sản xuất từ Việt Nam. Đây là quy định trong thương mại quốc tế (Công ước Kyoto).
Nhiều quốc gia yêu cầu các công ty đa quốc gia sử dụng “Made in” (sản xuất tại) cho các sản phẩm mà đa phần các linh kiện đầu vào cho quá trình lắp ráp được cung ứng từ chính quốc gia đó và “Assembled in” (lắp ráp tại) cho các sản phẩm mà đa phần các linh kiện đầu vào được nhập khẩu từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, các công ty đa quốc gia cũng thường chủ động ghi rõ các chỉ dấu này nếu họ thấy có lợi khi hàng hóa được lắp ráp ở các nước đang phát triển. Vì vậy, họ có thể đưa thêm các chỉ dấu khác như “Designed in” (thiết kế tại) bên cạnh “Made in” hoặc “Assembled in”.
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của ASEAN, ngay từ đầu ta đã đòi hỏi hàng hóa có xuất xứ cộng gộp từ 40% nội hàm sản xuất ở ASEAN trở lên mới được coi là hàng hóa có xuất xứ ASEAN để hưởng ưu đãi theo nguyên tắc “từ sợi đến vải”. Do đó, các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam không muốn hàng hóa của mình bị phân biệt đối xử theo hướng bất lợi cũng sẽ tìm cách đưa hàng hóa đơn thuần “Assembled in Vietnam” thành “Made in Vietnam”.
Quy định rõ ràng “Made in Vietnam” và “Assembled in Vietnam” có ý nghĩa cho việc phát triển và quảng bá các hàng hóa có chất lượng mà đa phần giá trị gia tăng của sản phẩm được tạo ra tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, điều có ý nghĩa hơn không dừng lại ở việc săm soi sản phẩm Made in ở đâu mà phải có phương án giảm dần các mối quan ngại về việc nền kinh tế phụ thuộc doanh nghiệp FDI hay không. Đó là việc phát triển khối doanh nghiệp nội địa của Việt Nam để họ có đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn đến từ nước ngoài, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu từ các cơ hội như nhà máy Samsung đem lại.