Samsung lại “mặc cả”
Việc Samsung mới đây đòi hỏi 3 ưu đãi chưa từng có trong tiền lệ với một gói ưu đãi miễn thuế TNDN trong khoảng 30 năm kể từ khi có lợi nhuận, miễn thuế cho một dự án ở TP HCM tương đương 15,5 triệu USD. Đặc biệt là đề nghị có hẳn một cảng chuyên dụng ở Nội Bài để thuận tiện cho việc XNK hàng hóa của DN này đang khiến dư luận đặt câu hỏi: Có phải Samsung đang lợi dụng “quyền” của DN đầu tư lớn để mặc cả?
Mặc cả ưu đãi
Cụ thể, để thực hiện dự án Samsung Electronics CE Complex với tổng vốn đăng ký 1,4 tỷ USD, Samsung đang “mặc cả” việc miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu xây dựng dự án; Miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu và linh kiện dùng cho sản xuất trong vòng 5 năm kể từ ngày bắt đầu đưa dự án vào sản xuất, hoặc cho tới khi tất cả các dòng thuế của Việt Nam được cắt giảm còn 0% theo các cam kết trong ATIGA; Cơ chế ưu đãi liên quan đến thủ tục hải quan/thông quan…
Còn với dự án SEVT2 tại Thái Nguyên với tổng vốn đăng ký 3 tỷ USD, DN này đề nghị được hưởng thuế thu nhập DN ở mức 10% trong vòng 30 năm kể từ năm đầu tiên dự án có lợi nhuận; Miễn thuế thu nhập DN trong vòng 4 năm kể từ năm đầu tiên SEVT2 có lợi nhuận chịu thuế; Giảm 50% thuế thu nhập DN trong vòng 9 năm tiếp theo…
Bình đẳng cho DN trong nước
Đành rằng, trong những năm gần đây kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc thu hút FDI có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia trong khu vực. Việc Samsung chọn VN là cứ điểm đầu tư của mình và xây dựng chiến lược đầu tư bài bản, dài hạn tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, cùng các Bộ, ngành, địa phương xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ, đóng góp lớn vào kim ngạch XK… là điều rất đáng quý.
Nhưng nên nhớ, nếu xét về số lượng DN FDI, thì rõ ràng Samsung cũng chỉ là 1 nhà đầu tư như bao nhà đầu tư khác. Không thể lấy lý do là mình đầu tư lớn, mang lại nhiều lợi ích, đóng góp cho kim ngạch XK của VN mà có những đòi hỏi có thể coi là vô lý như thế được.
Đề xuất ưu đãi nếu không được tính toán chặt chẽ sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường đến nền kinh tế nói chung và sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DN nói riêng.
Còn nếu nhìn vào các DN trong nước, thử hỏi đã có DN nào được ưu đãi như Samsung? Nếu không muốn nói là các ưu đãi của DN trong nước còn thua xa DN FDI trong đó có Samsung. Trong khi vấn đề hội nhập lại đẩy DN trong nước vào thế “buộc phải cạnh tranh để phát triển”. Trong trường hợp này, rõ ràng đang có sự không công bằng giữa DN trong nước và DN FDI.
Samsung ngay từ khi bắt đầu đầu tư vào VN đã có những “mặc cả” về giảm thuế và được chấp nhận một phần bởi thực tế, nhiều đề xuất ưu đãi là hợp lí. Nếu để ý cũng thấy, Samsung cũng chưa có nhiều hỗ trợ các DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện của DN này với lý do DN VN không đáp ứng được yêu cầu. Và, ngay cả việc chuyển giao công nghệ của Samsung cho DNVN cũng chưa nhiều và chưa được đánh giá cao.
VN đang tham gia vào nhiều FTA, đặc biệt là TPP và AEC… Rõ ràng, nếu nhìn vào tương lai thì VN vẫn còn nhiều cơ hội thu hút FDI, đặc biệt là các DN lớn của Mỹ, Nhật… được dự báo sẽ “tràn” vào VN trong giai đoạn tới. Việc đáp ứng hết đòi hỏi của Samsung chắc chắn sẽ không có lợi cho VN, bởi có thể nó sẽ là một tiền lệ để các nhà đầu tư lớn trong tương lai đòi hỏi, thậm chí là “tỵ nạnh”.
Hơn nữa, theo các hiệp định đầu tư song phương (BIT) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang đàm phán (như TPP), những giải pháp như quy định về tỷ lệ xuất khẩu, hàm lượng nội địa… không còn nhiều giá trị. Trong một số trường hợp, các nhà đầu tư nước ngoài thậm chí được hưởng nhiều ưu đãi hơn so với các nhà đầu tư trong nước.
Đã đến lúc các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm hơn tới việc hạn chế các đòi hỏi vô lý “kiểu Samsung”. Đề xuất ưu đãi nếu không được tính toán chặt chẽ sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường đến nền kinh tế nói chung và sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DN nói riêng. Đặc biệt là tránh những tiền lệ không tốt và ảnh hưởng tới sự minh bạch và công bằng của môi trường đầu tư.
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp