Thứ Tư | 12/08/2015 10:49

Samsung cân nhắc xây nhà máy tại Myanmar

Samsung cân nhắc xây nhà máy sản xuất hàng gia dụng tại Myanmar. Động thái này được cho là do chi phí nhân công đang tăng tại Trung Quốc và Việt Nam.

"Samsung đang tìm kiếm chỗ xây nhà máy đồ điện gia dụng tại Myanmar nhằm cắt giảm chi phí nhân công và nâng cao hiệu quả hơn", một nguồn tin của tờ Korea Times cho biết hôm 10/8.

Theo một nguồn tin khác, Samsung đang đàm phán một số điều kiện quan trọng với Myanmar. Việc Samsung đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á này sẽ có thể được bắt đầu trong vài năm tới.

Korea Times nhận định, việc cắt giảm chi phí nhân công là một nguyên nhân chính để Samsung xem xét việc tìm kiếm một địa điểm đầu tư mới ngoài Trung Quốc và Việt Nam. Hiện nay, Samsung đang đặt các nhà máy sản xuất màn hình và thiết bị bán dẫn của họ tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam.

Tại Việt Nam, các công ty con Samsung Display và Samsung Electro-Mechanics đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng sản xuất linh kiện điện thoại di động. Trong khi đó, các nhà máy đặt tại Trung Quốc chủ yếu sản xuất màn hình và thiết bị bán dẫn tiên tiến.

Mặc dù chưa có bất kỳ nhà máy sản xuất nào tại Myanmar nhưng Samsung cũng đã đẩy mạnh hoạt động marketing vào xứ sở chùa Vàng thông qua một công ty con của Samsung Thái Lan.

Hồi tháng 1/2013, Samsung Electronics đã được Ủy ban Đầu tư Myanmar chấp thuận thành lập một nhà máy gần thành phố lớn nhất Myanmar là Yangon. Tuy nhiên đến nay, nhà máy vẫn chưa được triển khai.

Một nguồn tin tại Myanmar cho biết: "Samsung Electronics muốn được đảm bảo được cấp diện tích đất lớn hơn, hưởng nhiều ưu đãi hơn và được bảo đảm về nguồn cung cấp điện trước khi đầu tư vào nước này. Điều quan trọng là làm thế nào để đạt được sự đồng thuận về các thủ tục hành chính liên quan".

Có hiệu lực từ năm 2012, Luật đẩu tư nước ngoài của Myanmar cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% trong các lĩnh vực không bị hạn chế, đồng thời, được phép tăng thời hạn thuê đất.

Luật này cũng cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu ba năm và miễn hoặc giảm thuế đối với việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu và nguyên liệu thô.

Myanmar đang mong muốn thu hút không chỉ hàng tỷ USD vốn FDI từ Samsung mà còn từ các nước khác. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã gọi Myanmar là "biên giới cuối cùng" của châu Á.

Hiện tại, Myanmar có dân số khoảng 51,5 triệu người, GDP bình quân đầu người tăng trưởng 7-8%/năm. Khoảng 75% lực lượng lao động của Myanmar đang làm việc trong ngành nông nghiệp.

Trường Văn

Nguồn Korea Times