SAM vẫn dựa vào đầu tư tài chính
Trước quá nhiều thay đổi về chiến lược lẫn nhân sự ở SACOM (SAM), khoảng 2 năm trở lại đây, các công ty chứng khoán chưa đưa ra nhận định nào có tính cập nhật. Tuy nhiên, theo xác nhận của Trưởng phòng Phân tích ở một công ty chứng khoán tại TP.HCM, từ vài năm trước, do cạnh tranh và những dịch chuyển trong xu hướng tiêu dùng, ngành chủ lực của SAM là dây cáp đã gặp khó (có thời điểm SAM chiếm đến 50% thị phần dây cáp nội địa). SAM bắt buộc phải mở rộng ngành nghề. Đến nay, những tài sản của SAM trong bất động sản và đầu tư liên doanh liên kết đã tăng lên.
Tháng 9 năm ngoái, SAM chính thức đổi tên công ty, từ Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Sacom thành Tập đoàn SAM Holdings. Sự thay đổi này đánh dấu bước đi mới của SAM về mặt chiến lược.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm ngoái, ông Trần Anh Vương, Tổng Giám đốc SAM, cho biết SAM sẽ đi theo mô hình tập đoàn đầu tư đa ngành, với cách thức công ty mẹ sở hữu các công ty con, hoạt động bao trùm nhiều lĩnh vực, từ duy trì mảng truyền thống là kinh doanh sản phẩm cáp, dây thông tin, vật liệu viễn thông đến đầu tư bất động sản, đầu tư tài chính, phát triển du lịch cũng như sẽ mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của SAM cũng đã phản ánh rõ nét những thay đổi ở công ty này. Về mặt doanh thu, Công ty vẫn dựa vào nguồn đóng góp chủ yếu là dây và cáp, chiếm 76,3% tổng doanh thu. Nhưng xét về lợi nhuận, đầu tư tài chính mới là mảng đóng góp lớn nhất cho SAM. Đây cũng là mảng tăng trưởng mạnh mẽ nhất ở SAM, tăng gấp 3,7 lần so với năm 2016.
Theo giải trình của SAM, đóng góp lớn cho mảng tài chính năm qua của Công ty là khoản đầu tư ở Viglacera (VGC) và thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Bất động sản Hiệp Phú. Ngoài ra, SAM cũng đã thoái vốn ở một số khoản đầu tư như Công ty Quốc tế Sơn Hà (SHI), Đường Biên Hòa (BHS), Ngân hàng Á Châu (ACB), Nhựa Sam Phú, PV Drilling (PVD)...
Dù thoái vốn không ít nhưng trong năm 2017, giá trị danh mục đầu tư ngắn hạn của SAM lại tăng hơn 3 lần so với cuối năm 2016, lên 681,7 tỉ đồng. Trong đó, có những khoản đầu tư mới hoàn toàn như đầu tư vào Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN), Tập đoàn Đất Xanh (DXG), Gỗ Trường Thành (TTF).
Theo thông tin cập nhật tại Đại hội đồng cổ đông vừa mới tổ chức, trong danh mục đầu tư ngắn hạn, SAM đã chấp nhận lỗ ở khoản đầu tư vào TTF để giảm sở hữu tại đây, không còn là cổ đông lớn. Theo lý giải của ban lãnh đạo SAM, đầu tư ngắn hạn cũng có lúc không thành công. Nhưng cùng thời điểm, SAM đã thoái vốn ở DXG và ghi nhận lãi hơn 130 tỉ đồng.
Đối với khoản mục đầu tư vào DVN, ông Trần Anh Vương cho biết, đây là tổng công ty dược lớn và lâu đời nhất Việt Nam, với nhiều công ty con và công ty liên kết. Tài sản của DVN là hệ thống kinh doanh trải rộng khắp cả nước. Vì thế, ban lãnh đạo SAM xác định sẽ đầu tư lâu dài ở DVN. SAM còn kỳ vọng, trong thời gian tới, khi Nhà nước buộc phải rút hết vốn ở DVN, để đơn vị này trở thành công ty tư nhân 100%, kinh doanh của DVN sẽ còn khởi sắc.
Xét tổng thể đầu tư tài chính, nguồn lực của SAM vẫn dành ưu tiên hơn cả cho các khoản đầu tư dài hạn. Hiện tại, với danh mục liên doanh liên kết, SAM đang rót vốn nhiều nhất cho Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Phú Thọ (DSP). SAM rất trông đợi ở khoản đầu tư này. Theo chia sẻ của ông Trần Anh Vương, DSP là doanh nghiệp đang sở hữu 32ha Công viên Đầm Sen tại quận 11, TP.HCM. SAM đã kịp tham gia đầu tư vào đây qua cả hai hình thức: IPO và tham gia mua cổ phiếu DSP với tư cách cổ đông chiến lược.
Khoản đầu tư đáng chú ý khác của SAM là rót vốn vào Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade). SAM đã trở thành cổ đông chiến lược khi sở hữu 8% vốn điều lệ của công ty này. Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty, Protrade là 1 trong 3 công ty lớn nhất ở Bình Dương, sở hữu, đầu tư vào nhiều đất đai và sân golf như sân golf Palm Sông Bé, sân golf Thái Hòa... Điều này phù hợp với định hướng đầu tư đẩy mạnh mảng bất động sản du lịch, vui chơi giải trí của SAM.
Không chỉ vậy, Protrade còn là cổ đông sở hữu cổ phần ở Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hạnh Phúc, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Ascendas - Protrade, Công ty Cổ phần Phát triển Phú Mỹ, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn FrieslandCampina Việt Nam (phân phối sữa Cô gái Hà Lan, Friso, YoMost, Fristi…). Mỗi năm, Protrade thu được lợi nhuận hàng trăm tỉ đồng từ các khoản đầu tư này.
Với danh mục đầu tư kể trên, ông Trần Anh Vương tin rằng đầu tư tài chính sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng và đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh cho SAM trong năm 2018.
Tuy nhiên, biến động thị trường có thể mang đến nhiều rủi ro cho SAM. Chính ông Trần Anh Vương cũng xác nhận, thị trường chứng khoán năm 2018 sẽ khó lòng tăng mạnh mẽ, với chỉ số VN-Index tăng tới 48% như năm 2017. Vì thế, cơ hội kiếm lời từ đầu tư tài chính sẽ khó khăn hơn. Điều này đòi hỏi ban lãnh đạo SAM phải có dự đoán, phân tích, thẩm định để ra quyết định, chọn lựa chính xác.
Năm nay, ở mảng đầu tư tài chính, SAM dự kiến sẽ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực mới, tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế mà Việt Nam có thế mạnh, các doanh nghiệp nhà nước đang IPO và một số doanh nghiệp trẻ có khả năng phát triển đột phá.
Ngoài ra, như đề cập, SAM sẽ thúc đẩy các mảng bất động sản, dây và cáp... để đảm bảo hoàn thành kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2018 là 26%. Trong mảng dây và cáp, SAM đang thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực dây điện từ. Theo ông Hà Hoàng Thế Quang, Tổng Giám đốc Dây và Cáp Sacom, với quy mô của mảng dây điện từ đang khoảng 400-500 triệu USD thì việc nắm giữ 10% thị phần sẽ giúp SAM có nhiều cơ hội mở rộng và phát triển. Riêng mảng bất động sản, nhất là bất động sản nghỉ dưỡng ở Đà Lạt (Sacom Tuyền Lâm), SAM chưa thể ghi nhận lợi nhuận do còn trong giai đoạn đầu tư. Nhưng SAM kỳ vọng đó sẽ là tài sản sinh lợi lâu dài.