Saigon Food: Lấy gia công tấn công nội địa
Cuối tháng 5 vừa qua, Saigon Food gặp sự cố “tai bay vạ gió”. Bởi vì có thông tin lô hàng cá diêu hồng của Saigon Food xuất đi Úc bị phát hiện nhiễm kháng sinh Enrofloxacine. “Đây là tin thất thiệt vì Công ty không sản xuất và xuất khẩu cá diêu hồng. Đối với thị trường Úc, Saigon Food cũng chỉ xuất khẩu tôm sú, cua tuyết đông lạnh”, bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc của Saigon Food, khắng định.
Saigon Food đã nhanh chóng lên tiếng với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Nafiqad lẫn cơ quan truyền thông về sự nhầm lẫn này. Nhưng theo xác nhận của bà Thanh Lâm, Saigon Food vẫn không tránh khỏi bị thiệt hại. Saigon Food không phải lần đầu tiên gặp nạn. Suốt 13 năm hoạt động trong ngành chế biến thực phẩm thủy hải sản, không ít lần Công ty đương đầu với sóng gió.
Bà cho biết, đây là thời kỳ khó khăn của các nhà sản xuất Việt Nam. So với giai đoạn trước năm 2011, kinh doanh của Saigon Food đã chậm lại. Tăng trưởng doanh thu hiện nay của Saigon Food chỉ còn ở mức 10-15%, giảm một nửa so với thời kỳ rực rỡ trước đây. Tuy nhiên, Công ty vẫn lạc quan khi nhìn về cơ hội sắp tới cho ngành chế biến thực phẩm.
Đó là cơ hội từ dự báo kênh bán hàng hiện đại sẽ chiếm 45% so với mức 25% doanh thu bán lẻ hiện nay. Với 70% doanh số bán hàng qua kênh hiện đại, sự lớn mạnh của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trung tâm thương mại sẽ thúc đẩy tiêu thụ nội địa cho Saigon Food. Ngoài ra, khi lối sống ngày càng hiện đại và con người ít thời gian hơn, theo nghiên cứu của BMI, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm sẵn của Việt Nam có khả năng đạt tăng trưởng 24,2% về lượng và 48,7% về giá trị doanh số bán hằng năm.
Saigon Food đang tích cực đầu tư, trong đó xây dựng thêm một kho lạnh và một nhà máy chế biến với mục tiêu nâng dần tỉ lệ tiêu thụ nội địa từ 20% hiện nay lên 50% vào năm 2020. Tính ra, Công ty có 4 nhà máy phục vụ cho cả xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa. Khác với các công ty cùng ngành, Saigon Food là đơn vị hiếm hoi phát triển song song cả hai thị trường xuất khẩu và nội địa ngay từ khi mới thành lập. Do đó, ngành đông lại tại thị trường nội địa, Saigon Food sớm xác lập được vị thế đầu ngành.
Lợi thế cạnh tranh cho Saigon Food trong thị trường nội địa còn ở những sản phẩm có tính tiên phong. Công ty là doanh nghiệp đầu tiên sáng tạo lẩu đông lạnh có gói nước dùng riêng. Sau hàng chục năm có mặt trên thị trường, những sản phẩm lẩu đông lạnh như lẩu Thái, lẩu mắm, lẩu hải sản, lẩu đầu cá hồi, lẩu kim chi, lẩu riêu cua... của Saigon Food vẫn được ưa chuộng.
Từ thành công của sản phẩm lẩu, Saigon Food nghĩ đến một sản phẩm mà chưa doanh nghiệp nào làm là nước dùng cô đặc. Tương tự, sản phẩm cháo tươi không chất bảo quản của Saigon Food mới lạ hoàn toàn với người tiêu dùng khi trên thị trường lúc bấy giờ chỉ bày bán dòng cháo ăn liền đóng gói. Saigon Food cũng là công ty đầu tiên làm ra cá trứng sấy lạnh… Tất cả sản phẩm mới của Saigon Food khi tung ra thị trường đều đạt tăng trưởng trung bình 20-30%. Đến nay, Công ty đã tạo được 60 loại sản phẩm khác nhau.
Sắp tới, trong chiến lược ở thị trường nội địa, Saigon Food sẽ vẫn tiếp tục phát triển các sản phẩm mới. Nhưng hướng đầu tư là sẽ chú ý hơn đến bao bì mẫu mã và đi vào những sản phẩm chuyên biệt, dành riêng cho từng đối tượng cụ thể. Chẳng hạn, trong dòng cháo tươi, Saigon Food dự kiến sẽ tung ra sản phẩm cháo tươi cho riêng em bé, cháo yến cho người cao tuổi.
Chiến lược cho thị trường nội địa của Saigon Food còn là mở rộng hệ thống phân phối. Không chỉ tăng cường bán hàng qua kênh hiện đại, Saigon Food còn có tham vọng đẩy mạnh bán hàng ở kênh truyền thống, khu vực đang chiếm 85% doanh thu tiêu dùng nhanh của Việt Nam, theo nghiên cứu của Neilsen.
Để làm được điều này, tháng 8.2015, Saigon Food đã lập một công ty riêng chuyên về phân phối. 5.000 điểm bán ở kênh truyền thống là những gì đã đạt được. Nhiều điểm bán trong số này được Saigon Food thiết lập các tủ hàng lạnh. Đặc biệt, để thuận lợi hơn trong bán hàng ở kênh truyền thống, Saigon Food còn đa dạng chủng loại, tiến công vào những sản phẩm không cần bảo quản ở nhiệt độ lạnh. Đó là lý do Saigon Food chuyển sang sản xuất cả gia vị như tương ớt, tương cà và sa tế…
Có thể thấy, Saigon Food đang tiến bước mạnh mẽ trên thị trường nội địa dù kinh doanh trong nước hiện chỉ mới đóng góp khoảng 20% trong tổng doanh thu. Tuy nhiên, nói như bà Lê Thị Thanh Lâm, thị trường nội địa có rất nhiều cơ hội và việc khai phá thị trường này đã giúp Saigon Food tạo các sản phẩm cho giá trị gia tăng cao.
Ở hoạt động xuất khẩu, Saigon Food ghi nhận doanh thu khoảng 20-25 triệu USD/năm. Vì là xuất khẩu dưới hình thức gia công nên biên lợi nhuận từ xuất khẩu không cao. Tuy nhiên, theo bà Thanh Lâm, Công ty không có ý định thay đổi chiến lược đối với thị trường xuất khẩu.
Nhờ gia công cá hồi, cá saba, tôm… cho những khách hàng khó tính, với 95% là khách hàng đến từ Nhật, Saigon Food có nhiều kinh nghiệm và đạt những chuẩn mực khắt khe trong chế biến thực phẩm, được chuyển giao công nghệ hiện đại, được học hỏi quy trình sản xuất, quán lý chuyên nghiệp. Cùng đó, uy tín trong xuất khẩu cũng góp phần vào tiếng tăm của Saigon Food trên thị trường nội địa. Từ những lợi thế này, Saigon Food đã dễ dàng hơn các đối thủ khi nghiên cứu, tung ra thị trường những sản phẩm mới phù hợp thị hiếu và đủ sức cạnh tranh.
Cũng nhờ vào xuất khẩu, với 100% là nguyên liệu thủy hải sản nhập từ nước ngoài, Công ty hiện tránh được rủi ro về nguyên liệu trong nước đang có biến động bất lợi. Đối với sản phẩm phục vụ nội địa, Công ty cũng dùng nguyên liệu nhập khẩu là chính.
Nỗi lo của Saigon Food hiện nay chủ yếu ở khía cạnh bán hàng khi nhiều nơi đặt yêu cầu tăng chiết khấu. Ngoài ra, như chia sẻ của bà Thanh Lâm, 3 năm đầu tiên khi tung ra sản phẩm mới, chi phí đầu tư cho marketing thường không dưới 10% doanh thu. Tuy nhiên, với lợi thế đã có, những chiến lược được vạch ra cùng sự hiện diện của ông Phan Quốc Công trong vai trò Chủ tịch, Saigon Food tự tin trên bước đường sắp tới.
Viết Nguyên