Ảnh: Qúy Hòa.

 
Minh Anh Thứ Tư | 29/07/2020 16:00

Saigon Co.op trước những sóng gió

Bỏ qua những biến cố gần đây, Liên Hiệp Hợp Tác Xã Thương Mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã hoạt động như thế nào trong thời điểm trước?

Chặng đường kinh doanh của Saigon Co.op?

Saigon Co.op đã có một năm 2019 kinh doanh thành công với doanh thu hơn 35.000 tỉ đồng, tăng hơn 3.000 tỉ đồng so với năm 2018.

Theo con số được công bố, doanh thu năm 2017 và 2018, Saigon Co.op lần lượt trên 17.600 tỉ đồng và 20.590 tỉ đồng. Năm 2020, Saigon Co.op đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai theo đúng chiến lược phát triển đã đề ra nhằm tăng tốc hoàn thành mục tiêu quan trọng như đạt doanh số 38.900 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Theo thông tin đưa ra từ Saigon Co.op, dịp Tết Canh Tý, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op lập doanh thu hơn 8.600 tỉ đồng trong 8 tuần liên tiếp. Cũng trong 2019, Saigon Co.op đã phát triển thêm hơn 200 siêu thị, trung tâm thương mại mới gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, 26 Cheers, Sense City và mô hình bán lẻ hiện đại cao cấp mới là Finelife.

Bên cạnh đó, năm 2019, Saigon Co.op đã gây bất ngờ cho thị trường khi tiếp quản toàn bộ hệ thống bán lẻ và thương mại điện tử của Auchan, nhà bán lẻ châu Âu tại Việt Nam. Trước đó, nhà bán lẻ này đã được cho là thua lỗ kéo nên nên tìm đối tác để bán lại. Tuy con số giá trị mua bán không được đưa ra nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng không phải là con số nhỏ.

Ảnh: Qúy Hòa

Saigon Co.op đã có một năm 2019 kinh doanh thành công với doanh thu hơn 35.000 tỉ đồng, tăng hơn 3.000 tỉ đồng so với năm 2018. Ảnh: Qúy Hòa

Saigon Co.op hoạt động theo mô hình hợp tác xã, có 26 thành viên và doanh thu vài chục nghìn tỉ đồng từ hệ thống bán lẻ khắp cả nước. Các lĩnh vực hoạt động chính của Saigon Co.op là bán lẻ, đầu tư, xuất nhập khẩu và sản xuất với 18 thương hiệu, công ty con. Đây là đơn vị phân phối và đại lý độc quyền của nhiều thương hiệu nước ngoài như viết Parker & Waterman, dầu gội Pantene, Head & Shoulders...tuy nhiên, bán lẻ là mang về nguồn thu lớn nhất nhờ hệ thống "chân rết" hàng trăm siêu thị, đại siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi 24h thương hiệu Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Cheers... phủ khắp cả nước.

Hiện tại, 2 doanh nghiệp phụ trách hoạt động sản xuất Saigon Co.op là Công ty Thương mại dịch vụ Xuân Hồng chuyên gia công, phân phối nông sản và Công ty Thực phẩm quốc tế Nam Dương nổi tiếng với thương hiệu nước chấm "con mèo đen".

Trong lĩnh vực đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Saigon Co.op (SID) là doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính. Công ty đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng. 

Theo Báo cáo Tài chính quý II/2020, lợi nhuận của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Sài Gòn Co.op (SID), Saigon Co.op đã vượt xa con số lợi nhuận cả năm 2020 đã đề ra trước đó. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, SID đạt gần 30 tỉ đồng doanh thu và 26 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 32% và 21% so với nửa đầu năm 2019.

Cơ cấu của Saigon Co.op 

Thông tin mới đây, Thanh tra TP.HCM đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật tại Saigon Co.op theo quyết định thanh tra triển khai từ ngày 3.4.2020. Đến sáng 27.7, Thanh tra TP.HCM đã tổ chức công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP (Saigon Co.op).

Theo đó, Thanh tra TP HCM đánh giá lợi nhuận sau thuế của Saigon Co.op được duy trì ổn định qua các năm, dao động 800-1.500 tỉ đồng. Có 6 hợp tác xã thành viên kinh doanh không hiệu quả trong niên độ tài chính gần nhất, tuy nhiên mức lỗ chỉ khoảng 100 triệu đồng.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính, theo quy định, thu nhập của Saigon Co.op được phân phối theo thứ tự trích lập các quỹ và chia lại cho các hợp tác xã thành viên. Tỷ lệ phân phối do đại hội thành viên quyết định. Tính đến cuối năm ngoái, nguồn vốn hình thành từ lợi nhuận giữ lại hơn 3.180 tỉ đồng.

Ảnh: Qúy Hòa
Thanh tra TP HCM đánh giá lợi nhuận sau thuế của Saigon Co.op được duy trì ổn định qua các năm, dao động 800-1.500 tỉ đồng. Ảnh: Qúy Hòa

Nguồn tiền trong quỹ này từng được Saigon Co.op sử dụng để tăng vốn điều lệ, bên cạnh huy động từ các hợp tác xã thành viên trên tinh thần tự nguyện và tuân thủ quy định không được đi vay hoặc huy động từ nguồn vốn của đối thủ cạnh tranh. Từ khi thành lập đến nay, đơn vị này 34 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký và 8 lần bổ sung vốn. Trong lần thay đổi gần nhất vào tháng 2, vốn điều lệ nhảy vọt từ 3.200 lên 6.797 tỉ đồng.

Thanh tra TP.HCM nhận định việc tăng vốn này có nhiều điểm bất thường. Cụ thể, 20 trong số 26 hợp tác xã đã tham gia góp vốn tổng cộng gần 3.600 tỉ đồng, 6 hợp tác xã hoạt động kinh doanh không có hiệu quả trong các năm 2018, 2019. Các hợp tác xã có lợi nhuận cao, 5-6 tỉ đồng/ năm không tham gia góp vốn trong khi các hợp tác xã lợi nhuận đạt được sau thuế chỉ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu lại góp đến vài trăm tỉ đồng. Như hợp tác xã thương mại dịch vụ Linh Tây cuối năm ngoái có vốn điều lệ chưa đến 600 triệu đồng nhưng số vốn góp vào hơn 952 tỷ đồng.

Theo Thanh tra TP.HCM, nguồn vốn được một số hợp tác xã huy động từ các tổ chức, cá nhân bên ngoài thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Do tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt được 26-39% trên vốn góp nên nhu cầu của các cá nhân, tổ chức muốn đầu tư vào Saigon Co.op là có cơ sở.

 

"Nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động ban đầu", kết luận thanh tra viết.

Thanh tra cho rằng đây là dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung (tài sản không chia) và tài sản của nhà nước. Điều này ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Tuy nhiên, đại diện phía Saigon Co.op khẳng định sau gần nửa năm tăng vốn điều lệ, số vốn mới vẫn chưa được sử dụng nên hoạt động kinh doanh và đầu tư không bị ảnh hưởng bởi kết luận thanh tra.

Có thể bạn quan tâm:

Ván bài mới của Saigon Co.op