Ảnh: Thươnggiaonline
Sacombank: Triển vọng lạc quan từ thu hồi nợ xấu
Năm 2018 là một năm mà Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương Tín (Sacombank; HoSE:STB) đạt được nhiều thành quả khá tích cực, từ vượt hơn 20% kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho đến giảm 55% tỷ lệ nợ xấu (từ 4,67% về 2,11%). Các kết quả này có thể nói là tốt nhất từ sau thời điểm chính thức sáp nhập với ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) cho đến nay. Ông Dương Công Minh, chủ tịch Sacombank, tự tin đặt ra nhiều định hướng tăng tốc trở lại đường đua giành lại vị thế dẫn đầu từng có của ngân hàng này và rút ngắn lộ trình tái cơ cấu xuống còn một nửa (5 năm) thay vì lộ trình 10 năm như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận.
Trên báo cáo tài chính Quý VI.2018 (chưa kiểm toán), chất lượng tài sản trên bảng cân đối của STB được cải thiện đều đặn với tốc độ khá nhanh, nợ xấu giảm mạnh xuống còn 2,11% từ mức 4,67% tại 31.12.2017, nếu so riêng quý 4 thì nợ xấu (NPL) đã giảm được 10,7% (3,18% tại thời điểm 30-9-2018) thể hiện nỗ lực rất lớn của ngân hàng này trong công cuộc tái cơ cấu. Mặc dù thành quả từ việc khắc phục, thu hồi giảm rõ rệt nhưng đoạn đường phía trước của Sacombank vẫn còn lắm chông gai.
NPL mặc dù suy giảm mạnh nhưng số dư trái phiếu VAMC trên thuyết minh BCTC quý IV.2018 vẫn còn hơn 40 nghìn tỉ đồng, số dư này đã giảm khoảng 5 nghìn tỉ đồng so với đầu năm 2018. Đặc tính quan trọng của nhóm tài sản này là số dư riêng lẻ của các tài sản rất lớn, có món lên đến 7-8 nghìn tỉ đồng nên việc tìm được đối tác sang nhượng lại không phải là việc đơn giản. Một khoản ‘đau đầu’ không kém trên bảng cân đối của STB nữa là các khoản lãi dự thu của các khoản nợ xấu từ sau sáp nhập với PNB vẫn còn hơn 20 nghìn tỉ đồng, đây gần như là các tài sản ‘chết’, không có tài sản đảm bảo và khả năng thu hồi thấp nên phải dùng lợi nhuận của nhiều năm tới mới hấp thụ được.
Các chỉ tiêu đo lường hiệu quả như CIR (tỉ lệ chi phí trên thu nhập), NIM (tỉ lệ thu nhập lãi thuần)… nhìn chung đều thể hiện xu hướng cải thiện đáng kể trong năm tài chính 2018. Cụ thể lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 50% so với năm 2017, đạt 2.246 tỉ đồng, NIM cải thiện 81 điểm cơ bản, đạt 2,55% so với 1,74% trong năm 2017. Tỷ lệ CIR cũng giảm xuống 67,2% từ mức 73,3% của năm trước, tỉ lệ này vẫn còn cao ngất ngưỡng so với mức trung bình của các ngân hàng cùng phân khúc (quanh 40%) là do tài sản xấu chiếm tỷ trọng lớn trên bảng cân đối STB nên dư địa cho tín dụng bị thắt chặt chưa tạo được nguồn thu cân xứng với các ngân hàng khác. Thu nhập khác tăng gấp 3 lần so với năm trước, ở mức 932,3 tỉ đồng khả năng cao đến từ hoàn nhập dự phòng của của khoản nợ xấu thu hồi được.
Nhìn chung năm 2019 và cả cho giai đoạn các năm tới, nếu Sacombank tiếp tục duy trì được nhịp độ thu hồi nợ xấu này, đặc biệt là giải quyết các được các món nợ lớn trong số dư VAMC và ‘write-off’ (hủy ghi nhận) thành công các khoản lãi dự thu trên bảng cân đối của ngân hàng thì vị thế dẫn đầu mà lãnh đạo và cổ đông dành cho STB là hoàn toàn khả thi.