Sacombank, Southern Bank, HDBank chưa được phê duyệt phương án tái cơ cấu
Tổng vốn điều lệ của 14 ngân hàng tính đến cuối tháng 2/2014 đạt 86.772 tỉ đồng; tổng tài sản đạt 1.192.083 tỉ đồng. Tổng nguồn vốn huy động đạt 985.598 tỉ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt 611.234 tỉ đồng; tổng nợ xấu là 45.848 tỉ đồng, trong đó có 8 ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ lớn hơn 3%.
Hiện nay, các ngân hàng đang tích cực phối hợp với Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để xử lí các khoản nợ xấu nhằm cải thiện tình hình tài chính, mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lí, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo chủ trương, định hướng và giải pháp của Chính phủ, NHNN, từng bước phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Theo số liệu thống kê, tình hình thanh khoản của các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TPHCM đều đảm bảo theo đúng quy định. Tỉ lệ an toàn vốn đều đảm bảo theo đúng quy định.
Về kinh doanh chứng khoán, các ngân hàng chủ yếu tự doanh chứng khoán; đầu tư chứng khoán qua việc thành lập công ty con, công ty liên kết; góp vốn mua cổ phần với cơ cấu vốn đầu tư tập trung vào loại hình chứng khoán có tính chất ổn định, an toàn.
Tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại đang từng bước được xử lí, cụ thể, một số cổ đông lớn của các ngân hàng thương mại vi phạm về tỉ lệ sở hữu cổ phần đã thoái vốn bớt nhằm đảm bảo tỉ lệ theo đúng quy định. Các ngân hàng còn lại đang đàm phán với các đối tác để chuyển nhượng số cổ phần sở hữu chéo theo lộ trình đã xây dựng trong phương án tái cơ cấu của từng ngân hàng trình Thống đốc NHNN phê duyệt trước khi thực hiện.
Về tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng, các ngân hàng thương mại cổ phần đã quan tâm đến việc đổi mới hệ thống quản trị phù hợp thông lệ quốc tế, chuẩn mực tiên tiến, đặc biệt tăng cường hiện đại hóa hệ thống quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ, nâng cao tính minh bạch hoạt động của mình như niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Có 4/14 ngân hàng trên địa bàn TPHCM đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, các ngân hàng còn lại đã có dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu trong thời gian tới nhằm công khai, minh bạch tài chính, phù hợp với yêu cầu hoạt động hiện nay. Về cơ bản, các ngân hàng đã tuân thủ việc thực hiện công bố thông tin theo quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Đến năm 2015, TPHCM không còn ngân hàng yếu kém
UBND TPHCM nhận xét, về cơ bản các ngân hàng thương mại đều đã xác định được mục đích và tầm quan trọng trong việc xây dựng phương án tái cơ cấu. Việc cơ cấu lại hệ thống các ngân hàng thương mại bước đầu đã đạt được kết quả khả quan.
Các ngân hàng yếu kém đã được cơ cấu theo hướng hợp nhất, sáp nhập, khả năng chi trả của các ngân hàng thương mại được bảo đảm, nguy cơ đổ vỡ hệ thống được đẩy lùi, tình hình tài chính được cải thiện, nợ xấu đã được xử lý theo hướng tích cực, hệ thống quản trị ngân hàng và cơ chế chính sách được củng cố, hoàn thiện.
Thực hiện Đề án tái cấu trúc, các ngân hàng thương mại đều đã quan tâm và chú trọng định hướng chiến lược kinh doanh trong từng giai đoạn cụ thể và trong dài hạn, đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả, bền vững và đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, phương án tái cơ cấu đã xác định các giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển là xây dựng chuẩn mực các điều kiện tiêu chuẩn về năng lực quản trị đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt của ngân hàng; nâng cao tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng; hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, phát triển hệ thống thông tin quản lý nội bộ, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi phù hợp với quy mô, mức độ phức tạp hoạt động và yêu cầu quản trị điều hành.
Phấn đấu đến năm 2015, trên địa bàn TPHCM sẽ không còn ngân hàng hoạt động yếu kém và bước đầu hình thành một số ngân hàng có quy mô hoạt động tương đương với các ngân hàng thương mại trong khu vực.
Nguồn Theo DVO