Thứ Năm | 13/03/2014 17:35

Sacombank sáp nhập Phương Nam: Thực và hư, ai được lợi?

Những ngày qua, CP của Ngân hàng (NH) Phương Nam (PNB) tăng từ 3.000-4.000 đồng/CP lên 7.000-8.000 đồng/CP.
Cũng dễ hiểu, PNB chưa niêm yết nên tính thanh khoản cực thấp, còn khi sáp nhập vào Sacombank (STB) đang niêm yết, một trong những cái lợi dễ thấy nhất chính là tính thanh khoản dành cho PNB. Vậy thực hư thế nào và ai là người có lợi trong thương vụ này?

Nhiều người suy đoán rằng, nếu thương vụ M&A này diễn ra, người giữ CP PNB sẽ được hoán đổi (theo một tỷ lệ nào đó sẽ được trình ĐHCĐ sắp tới của STB) để chuyển thành CP STB. Tuy nhiên, qua trao đổi với một vài nhân viên môi giới kỳ cựu, sự sôi động đúng là có, còn trực tiếp đứng ra làm "deal" (giao dịch) cho khách hàng thì chưa. Vậy sự sôi động như các thông tin giới đầu tư nói với nhau diễn ra ở đâu?

Gia đình ông Trầm Bê được xem là những cổ đông quan trọng của PNB. Trong trường hợp PNB sáp nhập vào STB, như vậy lượng CP STB gia đình "đại gia" này nắm giữ sẽ tăng lên, không những vậy, tính thanh khoản về tài sản cũng tăng theo. Đó là một trong những lợi ích lớn nhất, có khi còn lớn hơn cả việc đem CP ra TTCK bán và thu tiền về.

Xét về vị thế cũng như tính thanh khoản của PNB khó lòng sánh được với một số NH khác cũng chưa niêm yết như DongABank, Techcombank, VIB… Ngay cả thời điểm thị trường OTC sôi động nhất, PNB cũng không phải là món hàng "hot" đối với các NĐT, do tính đại chúng thấp, giao dịch không nhiều. Giám đốc môi giới của một CTCK lớn phán đoán, sự sôi động có thể bắt nguồn từ ngay trong nội bộ của PNB, đến từ những CBCNV, các cổ đông nội bộ.

Bởi chỉ người trong nội bộ, trong một nhà với nhau mới có thể hiểu rõ PNB nhất và sẽ mạnh dạn mua vào nếu có cơ hội. Hơn nữa, PNB vốn không phải là CP có thanh khoản cao, giờ giao dịch nhiều hơn thường ngày cũng có thể gọi là "sôi động".

Điểm qua một vài bảng giá OTC giá của PNB cũng khá cách biệt, có nơi "neo" giá CP này lên đến… 1.0, nhưng cũng có nơi chỉ 0.7. Mà thực ra, các bảng giá cũng không có nhiều ý nghĩa vì là giao dịch OTC, giá chính xác nhất chỉ có người bán và người mua biết.

Để đánh giá độ "hot" của PNB, hãy thử xem xét cơ hội nó đem lại lớn đến đâu. Một trong những văn bản đầu tiên TTCK đón nhận liên quan đến thương vụ M&A của STB và PNB là tờ trình tại ĐHCĐ của STB về chủ trương sáp nhập PNB vào STB. Nhưng văn bản này gói gọn trong 1 trang giấy, cũng chỉ có tác dụng công bố thông tin, chứ chưa đi vào một cách cụ thể của vấn đề như khi nào tiến hành, tiến hành như thế nào…

Nói đến đây, lại xuất hiện một loạt câu hỏi: Nếu phương án sáp nhập không được chi tiết hóa làm sao để cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ lẻ, có thể hiểu rõ và chấp thuận tờ trình của STB? Giả như STB chỉ mới có chủ trương, nếu chủ trương được thông qua có lẽ sẽ phải mất đáng kể thời gian để có phương án rõ ràng.

Cũng có giả thiết cho rằng, không phải vô cớ HĐQT của STB đưa ra phương án sáp nhập, phải chắc chắn mới làm, nên trước sau gì ĐHCĐ cũng sẽ thông qua. Nhưng cần lưu ý, STB là CP có tính đại chúng rất cao, cơ cấu cổ đông đa dạng nên phản ứng của các cổ đông với vấn đề này như thế nào cũng không dễ đoán được.

Cụ thể, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông khác, trong đó có cổ đông nhỏ lẻ lên đến 68%. Nếu có NĐT nào đó tìm mua PNB lúc này và ĐHCĐ của STB thông qua chủ trương sáp nhập cũng chưa chắc đã mừng, vì còn phụ thuộc vào tỷ lệ quy đổi CP PNB ra STB mới quyết định xem giá của PNB hời hay không hời.

Thêm nữa, không cần phải là chuyên gia NH mà một NĐT bình thường cũng có thể dễ dàng lên mạng tải BCTC của PNB và thấy được những vấn đề của NH này, như nợ xấu và vị thế có lẽ cũng kém xa STB.

Qua những giả thiết trên đây, có thể nói cơ hội PNB có thể đem lại vẫn chỉ ở mức 5 ăn 5 thua, nhưng đó là với các NĐT bình thường, còn các NĐT lớn thì sao? NĐT nhỏ có thể phải suy nghĩ mua CP giá bao nhiêu, bán ra bao nhiêu để có lời, nhưng NĐT lớn có khi không cần quan tâm đến chuyện mua bán ngay lập tức.

PNB sáp nhập vào STB, quy mô mở rộng, có thêm nguồn lực phát triển, tài sản của các cổ đông lớn tăng, có tính thanh khoản, là một số lợi ích nếu thương vụ M&A này diễn ra. Còn trong các giao dịch đối với PNB, lợi ích có lẽ thuộc về những người có khả năng phán đoán tốt nhất.

Nếu một NĐT đang nắm CP PNB phán đoán được tỷ lệ hoán đổi CP sẽ không có lợi cho mình, hoặc cho rằng có khi còn lâu lắm mới hoán đổi, trong khi PNB đang có giao dịch, có thể sẽ tiến hành bán ra, thu tiền về, thay vì chôn vốn như bao năm nay. Còn nếu NĐT muốn mua PNB tin rằng PNB sẽ được hưởng lợi khi sáp nhập vào STB cũng sẽ tự tin bỏ tiền ra mua để chờ đến ngày hoán đổi, bán ra thu tiền về.

Như vậy nếu khả năng sáp nhập trở thành hiện thực, số lượng CP STB trên sàn có thể gia tăng, cung tăng có thể thu hút thêm dòng tiền của NĐT đổ vào STB và đưa CP này sớm trở lại vị thế dẫn dắt như 6-7 năm trước. Nhưng cung tăng cũng có thể tạo ra áp lực về giá và tác động đến cổ đông nắm giữ. NĐT nào phán đoán đúng và sẵn sàng "cược" với lý trí của mình sẽ giành chiến thắng.

Nguồn Sài gòn đầu tư tài chính


Sự kiện