Sacombank bán xong tài sản khủng của Trầm Bê
Sacombank vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2017. Về cơ bản, các số liệu tài chính của Sacombank thay đổi không đáng kể sau kiểm toán. Điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo lần này là tiết lộ của Sacombank về thương vụ bán tài sản “khủng” của nhóm ông Trầm Bê hồi cuối năm 2017 và lượng nợ xấu hiện tại của Sacombank ở VAMC.
Theo báo cáo vừa công bố, Sacombank đã ghi nhận 8.280 tỷ đồng khoản phải thu từ bán tài sản cấn trừ nợ. Cùng kỳ năm ngoái, ngân hàng này không ghi nhận khoản phải thu nào như trên.
Phía Sacombank cho biết, khoản phải thu này liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản đảm bảo tại Khu công nghiệp Đức Hòa III, tỉnh Long An đã được Sacombank thực hiện đấu giá thành công và ký hợp đồng với các đối tác vào ngày 29/12/2017.
Tổng giá trị hợp đồng là 9.200 tỷ đồng. Sacombank cho hay ngân hàng đã nhận đầy đủ tiền cọc là 920 tỷ đồng vào ngày ký hợp đồng. Số tiền còn lại 8.280 tỷ đồng được thanh toán trả chậm trong vòng 7 năm kể từ ngày ký hợp đồng, ân hạn 2 năm đầu, phí trả chậm 7,5%/năm.
Được biết, lượng tài sản đảm bảo trên bao gồm 3 nhóm. Thứ nhất là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hoà III - Long An với tổng diện tích 3.722.303 m2, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Kinh doanh Hạ Tầng KCN Sài Gòn Long An và một phần của Công ty Cổ phần Đầu tư AMIC.
Tài sản thứ hai là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hoà III - Long An với tổng diện tích 2.749.134,1 m2, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Liên Thành Long An, Công ty Cổ phần Long “V”, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Long Đức – ILD và Công ty Cổ phần Đầu tư & Kinh doanh Bất động sản Mười Đây.
Tài sản thứ ba là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hoà III - Long An với tổng diện tích 2.753.730,2 m2, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Đức Hoà III – Resco và một phần của Công ty Cổ phần Đầu tư AMIC.
Dữ liệu tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, 3 pháp nhân là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Kinh doanh Hạ Tầng Khu công nghiệp Sài Gòn Long An (SLICO), Công ty Cổ phần Đầu tư AMIC và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Liên Thành Long An đều có người đại diện pháp luật là ông Ngô Trí Dũng.
Theo tìm hiểu, ông Ngô Trí Dũng từng cùng với ông Trầm Bê sở hữu cổ phần tại Công ty Marble Như Ý, trong đó, ông Trầm Bê là cổ đông lớn nhất nắm 82% cổ phần, còn ông Ngô Trí Dũng nắm 4,5% cổ phần.
Công ty Cổ phần đá Marble Như Ý thực chất là một “holdings company”, trong đó các cổ đông của công ty này cũng đồng thời là chủ các doanh nghiệp đầu tư nhiều dự án hạ tầng cảng biển, khu công nghiệp, bất động sản... Ông Trầm Bê giữ quyền chi phối thông qua việc cung cấp nguồn vốn cho các dự án này.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017 của Sacombank, tính đến hết ngày 31/12/2017, tổng số dư trái phiếu VAMC của ngân hàng này là 43.266 tỷ đồng, tăng 16% so với một năm trước đó.
Nếu trừ đi dự phòng, lượng nợ xấu tại VAMC của Sacombank là 41.317 tỷ đồng, cũng tăng 16%. Cộng cả với nợ xấu nội bảng, tổng nợ xấu của Sacombank hiện ở mức 51.721 tỷ đồng, tăng 4,7%.
Tuy nhiên, do dư nợ tín dụng tăng trên 24.000 tỷ (tương đương tăng 12%) nên tỷ lệ nợ xấu (cả nội bảng và ngoại bảng tại VAMC) của Sacombank vẫn giảm, từ mức 21,1% tại thời điểm hết ngày 31/12/2016 xuống mức 19,6% thời điểm một năm sau đó. Hiện lượng tài sản thế chấp tại Sacombank có trị giá tới 416.147 tỷ đồng (gần gấp đôi dư nợ tín dụng), trong đó 306.001 tỷ đồng là bất động sản.
Nguồn Vietnam Finance