Các nhà xuất bản, công ty sách sẽ đối diện với bài toán nguồn vốn hoạt động khi đối tác phân phối. Ảnh: zing.vn.
Sách khủng hoảng vì giãn cách
Tính đến đầu tháng 7/2021, Fahasa đã đóng cửa 80/117 nhà sách; doanh thu tháng 7 chỉ đạt 30% so với cùng kỳ năm 2020 và tháng 8 năm nay có thể giảm sâu hơn nữa. Tại Alpha Books, doanh thu 6 tháng đầu năm chỉ đạt 84% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau đó, giữa tháng 7, công ty này bị phong tỏa do có ca nhiễm COVID-19, khiến doanh thu sụt giảm mạnh.
Nhã Nam cũng đóng cửa 6 nhà sách, doanh thu chỉ còn 76% so với cùng kỳ năm 2020 và đang tiếp tục giảm sâu. Đến tháng 7 và 8/2021, doanh thu chỉ bằng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, nhận định: “Việc bán sách trực tuyến không khắc phục hết khó khăn do sức mua giảm sâu, các khâu sản xuất kinh doanh bị đứt gãy vì giãn cách ở 2 thị trường quan trọng Hà Nội và TP.HCM”.
Theo ông Phạm Nam Thắng, quyền Tổng Giám đốc Fahasa, phụ trách kênh thương mại điện tử fahasa.com, khi thực hiện Chỉ thị 16+, ngành sách nói chung và lĩnh vực phát hành sách online nói riêng gặp không ít khó khăn, dẫn đến năng lực xử lý đơn hàng bị giảm mạnh, giao hàng trái vùng quá mất thời gian, năng lực giao hàng bị ảnh hưởng khiến hàng ngàn đơn hàng bị treo.
Trước tình hình này, nhiều người trong ngành cho rằng các nhà xuất bản, công ty sách sẽ đối diện với bài toán nguồn vốn hoạt động khi đối tác phân phối, tức hệ thống phát hành truyền thống (chuỗi các nhà sách) gia tăng công nợ do suốt một thời gian dài giãn cách thiếu hụt nguồn thu. Theo đó, hiệu ứng dây chuyền sẽ xảy ra: nhà phát hành nợ nhà xuất bản, nhà xuất bản nợ nhà in, đối tác bản quyền và cả tác giả, dịch giả... Yếu tố này cộng với giá giấy, giá vận chuyển, chi phí gia công tăng, dự kiến giá bìa sách sẽ tăng cao. Trong điều kiện kinh tế khó khăn vì người dân phải giảm chi tiêu, nếu không có giải pháp cụ thể ngay từ bây giờ, chắc chắn thị trường sách sẽ đối mặt với khủng hoảng kép trong tương lai gần.
Để thích ứng, các đơn vị làm sách cũng tìm nhiều cách duy trì đầu ra. Chẳng hạn, kênh thương mại điện tử fahasa.com liên hệ hợp tác với 2 đơn vị vận chuyển mới nhằm giảm tải cho các đối tác vận chuyển hiện tại; đẩy nhanh việc thêm kho tạm để tăng khả năng cung ứng và xử lý đơn hàng; cải tiến quy trình phân bổ hàng hóa, hệ thống kiểm tồn và phân đơn hàng cho nhà sách nội vùng với địa chỉ cần giao hàng, để hàng hóa đi ra thẳng từ nhà sách nội vùng, giúp luân chuyển hàng hóa nhanh hơn...
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Thái Hà Books, đề xuất giải pháp đẩy mạnh kênh online, đang được xem là phao cứu sinh cho ngành hiện nay. Theo ông, cần phải tính đến bài toán làm sao có thể đẩy mạnh eBook bằng phương án có một đơn vị nào đó đủ mạnh để thực hiện phương thức này theo quy mô lớn và tập trung. “Chúng ta cũng cần cân nhắc đến loại hình Audiobook. Chúng tôi đang phát hành sách nói qua ứng dụng sách nói có bản quyền Fonos, bắt đầu mang lại dòng tiền đầu tiên từ phương thức này”, ông Hùng cho biết.
Hiện nay, sách nói đã được các đơn vị xuất bản phát triển như một kênh phát hành mới khá sáng tạo. Mới đây, Alpha Books và ứng dụng Fonos đã gửi tặng 10 tựa sách nói từ danh sách bán chạy nhất trên ứng dụng này. Trên thế giới, cùng lúc với sự phổ biến của các ứng dụng phát trực tuyến, podcast thì sách nói cũng trở thành xu hướng được người dùng ưa chuộng. Smartphone đã khiến việc nghe sách nói trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Sự tham gia của nhiều gã khổng lồ như Amazon, Apple hay Google khiến chất lượng của sách nói ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, trước áp lực lớn về doanh thu, đại diện nhiều nhà xuất bản đã đưa ra những đề xuất về phía các cơ quan quản lý. Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, kiến nghị cơ quan chủ quản cho vay nguồn vốn sản xuất, tạm thời chi trả lương nhân viên trong thời gian khó khăn này. Ông Vũ cũng đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị VNPost hỗ trợ thêm phí vận chuyển sách trong thời gian dịch bệnh.
Hiện nay, sách nói đã được các đơn vị xuất bản phát triển như một kênh phát hành mới khá sáng tạo. Ảnh: Qúy Hòa. |
“Về thuế phí, năm 2020 chúng ta đã có một số ưu đãi cho ngành xuất bản, được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội giảm 0,5%, VAT được giãn nộp 6 tháng. Năm nay, dịch bệnh phức tạp hơn nhiều, đề xuất các nhà xuất bản được giảm tiếp thuế thu nhập doanh nghiệp, với mức giảm lên 40-50%, bảo hiểm xã hội giảm 1-2%, hoãn nộp trong vòng 6 tháng đến 1 năm bảo hiểm xã hội”, ông Vũ nói.
Vừa qua, nhiều quốc gia phương Tây như Pháp, Ý, Bỉ đã công nhận sách là thiết yếu và ưu tiên hỗ trợ thị trường xuất bản hoạt động trong giãn cách. Một số nước châu Á như Nhật, Trung Quốc, Singapore cũng đang tìm giải pháp duy trì kênh phát hành sách thương mại điện tử, đồng thời mở cửa hiệu sách trong sự kiểm soát số lượng, mật độ giãn cách, cốt là không để bão táp của đại dịch nhấn chìm con thuyền văn hóa của cộng đồng xã hội.