Ảnh: QH
Sabeco tìm lại men lợi nhuận
Ngày 18.12.2017, 343 triệu cổ phiếu SAB được bán đấu giá cho Công ty Vietnam Beverage mà sân sau là ThaiBev với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu. Cho đến nay, thương vụ M&A lịch sử này đã trải qua 1 năm, song cổ phiếu SAB vẫn còn đang loay hoay để vực dậy thị giá. Theo báo cáo tài chính năm 2018, doanh thu Sabeco đạt 36.034 tỉ đồng (tăng trưởng 4,6%). Song, lợi nhuận ròng lại giảm so với cùng kỳ, chỉ đạt 4.400 tỉ đồng.
Theo Modor Intelligence, ngành bia thế giới đang trải qua sự chuyển dịch quan trọng. Theo đó, thị trường tiêu thụ có sự chuyển dịch từ khu vực các quốc gia phát triển với nền văn hóa bia lâu đời như các nước châu Âu, sang khu vực những quốc gia đang phát triển với nền văn hóa bia còn mới mẻ, có thu nhập bình quân đầu người tăng cao và mật độ dân số trẻ như châu Á và châu Phi.
Châu Á vẫn được kỳ vọng chiếm lượng tiêu thụ bia lớn nhất thế giới và đạt hơn 90 tỉ lít vào năm 2020. Việt Nam hiện nay là thị trường tiêu thụ bia đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Nhật trong khu vực châu Á với sản lượng tiêu thụ năm 2018 đạt hơn 4,2 tỉ lít bia. Theo Euromonitor, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) ở Việt Nam vẫn kỳ vọng trên mức 6% trong giai đoạn 2015-2020. Nếu xét tại Việt Nam, thì Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn Sabeco (SAB) được xem là “rồng vàng” đứng đầu chiếm lĩnh hơn 40% thị phần của miếng bánh béo bở này.
Song, kết quả kinh doanh 2018 của Sabeco lại khiến nhà đầu tư hơi khựng lại. Theo báo cáo tài chính năm 2018, doanh thu SAB tăng 4,6%, đạt 36.034 tỉ đồng nhưng lợi nhuận ròng lại giảm từ 4.948 tỉ đồng xuống 4.400 tỉ đồng. Đáng chú ý, đây là mức giảm đầu tiên trong suốt giai đoạn 2013-2017 của Sabeco. Sự sụt giảm về lợi nhuận ròng cũng co hẹp lợi tức chi trả cho cổ đông, từ đó dẫn đến EPS (tỉ suất lợi nhuận trên cổ phần) cũng giảm, chỉ đạt 6.510 đồng.
Lý do dẫn đến lợi nhuận ròng bị co hẹp thì nhiều, song nguyên nhân chính lại xoay quanh việc giá vốn hàng bán tăng mạnh và thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt bị điều chỉnh, theo hướng tăng cao. Theo báo cáo tài chính quý IV/2018, giá vốn hàng bán của Sabeco ghi nhận 27.864 tỉ đồng, tăng hơn 2.537 tỉ đồng (mức tăng 10%). Truy xuất sâu hơn cấu phần doanh thu, chi phí giá vốn bao bì vật tư đã tăng biên độ mạnh, tiệm cận mức 26,6%.
Chỉ tính riêng giá vốn bao bì vật tư, Sabeco đã phải chi hơn 4.851 tỉ đồng cho năm tài chính 2018. Ngoài ra, việc khiến doanh thu bán hàng không tăng trưởng mạnh theo kỳ vọng, có thể vì nguyên nhân thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng bia đã tăng từ 60% lên 65%, có hiệu lực ngày 1.1.2018. Dù lợi nhuận không tăng mạnh, nhưng việc vượt qua mức doanh thu kỷ lục của năm 2017 có thể tính là thành công của Sabeco.
Cụ thể, năm 2017, Sabeco đã thành công tiêu thụ hơn 1,79 tỉ lít bia, doanh thu ghi nhận đạt 34.438 tỉ đồng, tăng hơn 27% so với năm 2015. Thêm vào đó, việc chi tiêu mạnh tay vào bao bì là xu hướng chung của ngành hàng tiêu dùng nhanh, khi các báo cáo của Mindshare, Nielsen và Kantar đều nhấn mạnh xu hướng cá nhân hóa trải nghiệm của người dùng.
Sau thương vụ M&A bán Sabeco cho Vietnam Beverage, 2018 được coi là năm bản lề để doanh nghiệp này đi vào ổn định việc sở hữu và điều hành, trước khi tăng tốc bứt phá và chinh phục thị trường các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, dưới sự trợ lực của ThaiBev.
Có ý kiến cho rằng Sabeco bị ảnh hưởng khi hành vi tiêu dùng của thế hệ Z đang hình thành nên một tầng lớp thích trà sữa hơn bia? Theo ước tính của Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có giá trị 282 triệu USD vào năm 2016, tốc độ tăng trưởng hằng năm là 20%. Xu hướng này liệu có thể trở thành một đối thủ ngầm đáng gờm cho thức uống có cồn, đặc biệt khi mà vấn đề sức khỏe và việc tuyên truyền hạn chế sử dụng đồ uống có cồn từ Chính phủ ngày càng được quan tâm? “Nhu cầu tiêu thụ trà sữa của giới trẻ là có thật, song đối tượng tiêu dùng 2 mặt hàng sản phẩm này lại khá khác nhau nên việc cho rằng văn hóa “uống trà sữa, sống với trà sữa” của thế hệ Z là chưa có cơ sở”, một chuyên gia về khảo sát hành vi tiêu dùng cho biết.
Thị trường bia được dự báo sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh khốc liệt, việc Sabeco có thể tiếp tục vẫy vùng mạnh mẽ hay không sẽ là một sự khảo nghiệm. “Bán bia ở Việt Nam rất vất vả, phải giỏi mới tồn tại. Những năm 2015-2016 các “câu lạc bộ bia” mọc lên dày đặc thì nay đã đóng cửa gần hết. Chỉ một số thương hiệu lớn như Heineken, Sabeco và Tiger... phát triển tốt, số còn lại khá èo uột”, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, bình luận