Thứ Sáu | 30/05/2014 20:31

Sabeco kỳ vọng có cổ đông chiến lược năm nay, đặt kế hoạch hơn LNTT 3.670 tỷ đồng

Việc dán tem sản phẩm nhằm nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước ,quy định vận chuyển đúng tải đã làm chi phí tăng thêm khoảng 1236 tỷ đồng.
Sáng ngày 30/05/2014, Đại hội cổ đông thường niên năm 2014 của Tổng CTCP Bia Rượu Nước Giải khát Sài Gòn – Sabeco đã được tiến hành thành công. Theo đó, tất cả các nội dung đều được thông qua.

Năm 2013, Sabeco tiêu thu 1.330 triệu lít bia Sài Gòn các loại, đạt 28.707 tỷ đồng tổng doanh thu; lợi nhuận trước thuế đạt 3.579 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức 23%/mệnh giá, bằng tiền.

Năm 2014, Sabeco đặt kế hoạch doanh thu 29.440 tỷ đồng, tăng 3%; lợi nhuận trước thuế 3.672 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2013. Kế hoạch cổ tức 23%.

Hiện Sabeco có 18 danh mục đầu tư ngoài ngành. 10 danh mục được Sabeco đăng ký thoái vốn trong năm 2014, và 6 danh mục sẽ thoái vốn vào năm 2015.

Sabeco xin Bộ Công thương giữ lại 2 danh mục: (1) dự án Mê Linh Point liên doanh với Công ty Frasers Centrepoint Limited- Singapore, dự án đang mang lại tỷ suất lợi nhuận rất cao – 30%; (2) Tổ hợp dự án ở Thái Văn Lung – Thi Sách hợp tác với Công ty Tân Thành. Dự án này hiện đang gặp khó khăn về mặt pháp lý triển khai, nên khó thoái vốn ngay.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về chi phí dán tem dự kiến phát sinh 800 tỷ đồng, chủ tọa đoàn cho biết: Đây là đề án Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước đối với rượu bia. Trong đề án này có quy định dán tem cho sản phẩm rượu bia. Đề án này đang trình. Các doanh nghiệp không đồng tình với quan điểm dự án – liệu việc dán tem có tăng cường được năng lực quản lý Nhà nước đối với rượu bia không vẫn còn gây tranh cãi. Trên thế giới cũng có nước thực hiện dán tem sản phẩm, nhưng dùng ngân sách nhà nước, còn đề án của Việt Nam thì doanh nghiệp phải bỏ tiền túi của mình để dán tem.

Việc dán tem ước tính sẽ tốn khoảng 200 đồng/tem/sản phẩm. Sản lượng bia Sài Gòn tiêu thụ 1.336 triệu lít, tương đương với 4 tỷ lon chai do đó ước tính Sabeco mất 800 tỷ đồng tiền tem, chưa bao gồm chi phí thiết bị đầu tư vào máy dán, rủi ro kỹ thuật giữa máy dán tem và máy đóng lon...

Đối với tìm đối tác chiến lược của Sabeco, theo chủ tọa đoàn: Đây là việc quan trọng mà Bộ Công thương đang làm. Theo Nghị định 58/2012/CP, để CP doanh nghiệp có thể niêm yết trên sàn Sabeco phải có cổ đông bên ngoài sở hữu trên 20% vốn. Hiện cổ đông Nhà nước chiếm 89,54% vốn Sabeco, vì vậy để “lên sàn” Sabeco phải tìm đối tác chiến lược. Đây là bài toán của Bộ Công thương, Ban lãnh đạo của Sabeco chỉ đóng vai trò tham mưu.

Trong phiên họp 18/02/2014 do Chính phủ tổ chức về Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, và Nghị định đi kèm sau đó, Chính phủ cho biết Bia không phải là ngành mà Nhà nước nắm giữ cổ phần đa số (trên 51%). Kỳ vọng Sabeco sẽ có cổ đông chiến lược trong năm 2014.

Về chi phí vận tải tăng đột biến? Theo quy định mới – không được chở quá tải, chi phí vận tải năm nay dự kiến sẽ tăng hơn 436 tỷ đồng tính cho 6 tháng đầu năm. Sabeco cam kết nhập nguyên liệu từ 5 hãng uy tín nhất trên thế giới- chủ yếu từ Châu Âu và Úc. Sabeco cũng tìm hiểu về thị trường nguyên liệu ở Nam Mỹ với giá cạnh tranh hơn.

Về chiến lược cạnh tranh ở các phân khúc với đối thủ nước ngoài, Sabeco chia sẻ: Chúng tôi đang chờ đợi ý kiến của cổ đông. Về cơ cấu sản phẩm, hiện hai sản phẩm của Sabeco được xếp vào nhóm “bò sữa” là Bia 333 và SaiGon Export 35. Nhưng dấu hiệu đáng lo ngại là nhóm sản phẩm “bò sữa” của Sabeco đang giảm dần, trong đó Bia 333 giảm nhanh hơn.

Để tránh tình trạng này, Sabeco đang có kế hoạch đưa các sản phẩm nhóm “ngôi sao” lên nhóm “bò sữa”. Sabeco đang có kế hoạch gấp rút, vào tháng 7 tới sẽ làm mới 2 sản phẩm này và truyền thông mạnh 2 phẩm nói trên để giữ thị phần. Bên cạnh đó Sabeco cũng sẽ cho ra sản phẩm Saigon Gold để cạnh tranh với các sản phẩm ở phân khúc cao cấp.

Sabeco cũng sẽ giảm lượng sản phẩm bia bị lỗ ở phân khúc thấp, hướng vào phân khúc bia cao cấp hơn.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về phát triển thêm sản phẩm từ nguyên liệu trong nước, đại diện Sabeco cho biết: Để làm sản phẩm mới phải phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, mang lại lợi ích kinh tế cho Sabeco, nghiên cứu phát triển – đội ngũ khoa học kỹ thuật, 2014 – 2015 cho đầu tư hệ thống nghiên cứu công thức nấu bia mới. Nội địa hóa nguyên liệu, Sabeco cho thấy hiệu quả không cao sau khi làm thử.

Được biết, 97,3 doanh thu hiện 97,3% từ bia, còn lại rất nhỏ từ rượu và nước giải khát. Hiện Sabeco có số dư tiền mặt khá lớn hơn 1.800 tỷ đồng, nhưng Sabeco đánh giá là không lớn so với kế hoạch dự chi tới đây của Tổng công ty. Sabeco có kế hoạch đầu tư nhà máy mới ở Kiên Giang, Khánh Hòa, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, dán tem (nếu có).

Liên quan đến kế hoạch phát triển ở phía Bắc, đại diện Sabeco cho biết: ở phía Bắc, xuất phát từ tình hình chi phí vận tải đang tăng cao, và tình hình tiêu thụ tại chỗ của năm 2012 chưa bằng công suất nhà máy 50 triệu lít. Hằng năm Sabeco phải chuyển bia lon từ nhà máy phía Bắc vào Nam để đáp ứng thị trường – trên 300 triệu lít/năm.

Theo chỉ đạo chung của Chính phủ Sabeco phải phát triển thị trường từ miền Trung trở vào nhằm giảm lượng lưu thông hàng hóa từ Bắc vào Nam, từ cuối 2013 Sabeco đầu tư thị trường phía Bắc để tiêu thụ sản phẩm nhằm giữ công ăn việc làm cho người lao động. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chỉ đạo của Bộ Công thương – lợi nhuận phải tăng thêm 110 tỷ đồng so với thực hiện năm 2013.

Nguồn Cafef/Trí thức trẻ


Sự kiện