Minh Phú nhấn mạnh đã ngừng hoàn toàn việc nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ từ cuối tháng 7.2019. Ảnh: vietnambiz

 
Minh Anh Thứ Hai | 09/11/2020 15:42

Sa lầy trong thương vụ chống bán phá giá với Mỹ, doanh thu "vua tôm" giảm sâu

Gặp khó với Thuế Chống bán phá giá của Mỹ, thêm dịch bệnh COVID-19, Minh Phú chưa thể vực dậy doanh thu trong quý III vừa qua.

►Minh Phú gặp khó với COVID-19

►Minh Phú đối mặt thuế chống bán phá giá Mỹ

Ảnh hưởng nhiều từ COVID-19

Theo Báo cáo tài chính quý III/2020, Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú ghi nhận kết quả kinh doanh trái chiều khi doanh thu giảm 16%, chỉ đạt 4.400 tỉ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 3% lên trên 240 tỉ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đầu ngành xuất khẩu tôm đạt doanh số hơn 10.000 tỉ đồng, hoàn thành gần 66% kế hoạch cả năm. Ước tính bình quân mỗi ngày công ty thu khoảng 37 tỉ đồng.

Nhờ cắt giảm chi phí bán hàng hơn 200 tỉ đồng và chi phí lãi vay trên 100 tỉ đồng nên lợi nhuận sau thuế nhảy vọt, tăng gần 22% lên 475 tỉ đồng. Tuy nhiên, so với kế hoạch đề ra là 915 tỉ đồng, Minh Phú chỉ mới hoàn thành phân nửa.

Theo nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, doanh số của Minh Phú thụt lùi do phía hải quan Mỹ đã áp dụng các biện pháp điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và áp dụng ký quỹ tạm thời ở mức 10% với các lô hàng xuất khẩu sang từ tháng 1. Đây là một trong những thị trường chủ lực, đóng góp gần 40% tổng doanh thu cho công ty năm ngoái.

Ảnh:Openstock
Theo kế hoạch chưa tính đến ảnh hưởng của COVID-19, Minh Phú đặt mục tiêu năm nay xuất khẩu 63.000 tấn tôm thành phẩm và đạt kim ngạch 709 triệu USD. Ảnh:Openstock

Theo kế hoạch chưa tính đến ảnh hưởng của COVID-19, Minh Phú đặt mục tiêu năm nay xuất khẩu 63.000 tấn tôm thành phẩm và đạt kim ngạch 709 triệu USD. Tuy nhiên, tại phiên họp thường niên cuối tháng 6, công ty thông qua kế hoạch xuất khẩu 56.700 tấn thành phẩm với giá trị 638 triệu USD. Doanh thu kỳ vọng đạt 15.200 tỉ đồng. Tính đến cuối kỳ, Minh Phú có tổng tài sản hơn 9.620 tỉ đồng và nợ gần 4.500 tỉ đồng, đều tăng mạnh so với thời điểm đầu năm.

Minh Phú đối mặt thuế chống bán phá giá Mỹ

Phán quyết của Hải quan Mỹ cho thấy Minh Phú xuất sang Mỹ tôm Ấn Độ để tránh thuế còn công ty này khẳng định "sẽ kháng cáo đến cùng".

Cơ quan Hải quan Mỹ hôm 13.10 thông báo, có đủ bằng chứng cho thấy MSeafood Corporation, thuộc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, vi phạm luật thương mại nước này khi sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để tránh thuế bán phá giá của Mỹ. Vì vậy, tôm đông lạnh do Minh Phú xuất khẩu sang Mỹ là đối tượng chịu thuế theo Lệnh chống bán phá giá với tôm Ấn Độ.

Bộ Thương mại Mỹ từ năm 2005 bắt đầu áp thuế chống bán phá giá với tôm đông lạnh nhập khẩu từ một số quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ. Đến tháng 7.2019, cơ quan này thu hồi lệnh áp thuế với Minh Phú. Theo đó, Minh Phú không phải nộp thuế chống bán phá giá với tôm xuất xứ Việt Nam. Còn tôm xuất xứ Ấn Độ vẫn chịu mức thuế 10,17%. Do vậy, Minh Phú được cho rằng có động cơ "nguỵ tạo" nguồn gốc xuất xứ tôm để "né" thuế.

 

Theo hồ sơ, trong giai đoạn điều tra từ 8.10.2018 đến 13.10.2020, MSeafood đã nhập khẩu tôm từ Minh Phú. Bằng chứng trên hồ sơ của Hải quan Mỹ cũng cho thấy Minh Phú từng nhập khẩu lượng lớn tôm Ấn Độ về chế biến. Tuy nhiên, họ không công bố dữ liệu cụ thể về số hàng này.

Hải quan Mỹ kết luận, sẽ đình chỉ hoặc tiếp tục đình chỉ các lô hàng trừ khi được chỉ thị thanh lý. Với những lô hàng nhập khẩu trước đó phù hợp với các biện pháp tạm thời, cơ quan này sẽ điều chỉnh thuế suất và tiếp tục đình chỉ cho đến khi có hướng dẫn xử lý. Họ sẽ tiếp tục đánh giá hoạt động bảo lãnh thanh toán tự động gia hạn của MSeafood theo chính sách của Hải quan Mỹ, và tiếp tục yêu cầu giao dịch bảo lãnh thanh toán đơn lẻ nếu phù hợp. Hải quan Mỹ khẳng định, họ và các cơ quan khác vẫn có thể có thêm hành động hoặc hình phạt bổ sung.

Về kết luận này, Minh Phú nhấn mạnh đã ngừng hoàn toàn việc nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ từ cuối tháng 7.2019. Vì vậy, yêu cầu của Hải quan Mỹ không hoàn toàn phù hợp với đặc thù sản xuất của ngành tôm. Theo Minh Phú, chưa có doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm nào có hệ thống truy xuất như vậy.

Dù chủ động hợp tác và có lời mời, Hải quan Mỹ đã không sang Việt Nam, không thẩm tra tại thực địa, theo Minh Phú. Truy xuất nguồn gốc của Minh Phú đã được Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ chấp thuận.

Minh Phú sẽ thực hiện quyền kháng cáo và nếu kháng cáo không mang lại kết quả như mong muốn, Minh Phú sẽ tiếp tục kháng cáo lên Toà án Thương mại Quốc tế.

Có thể bạn quan tâm:

►Minh Phú "thay tướng" có đổi vận?