Người Việt tiêu thụ hơn 4 tỷ lít bia mỗi năm. Ảnh: Quý Hòa

 
Hải Vân Thứ Sáu | 07/09/2018 08:26

Rượu, bia: "Phòng chống" hay "kiểm soát"?

Tên dự luật “không chuẩn” dẫn đến bất cập về nội dung các quy định, gây hiểu nhầm giữa lạm dụng với hoàn toàn có hại.

Ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Công thương, tại Tọa đàm về Dự thảo “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” hôm 6.9, cho biết, dự thảo này đã gần như đã hoàn thiện về nội dung và hình thức.

Dự thảo đã bỏ hẳn quy định về việc lập Quỹ Phòng chống tác hại của rượu bia, một điểm Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Công Thương cho là tích cực.

Dự thảo “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo, dự kiến được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, tháng 10 tới.

Tuy nhiên, theo quan sát của giới chuyên môn, cũng như những đối tượng thuộc diện thi hành luật, có nhiều điều cần được xem xét lại, đặc biệt là tên của luật này đã không đúng với bản chất và không phù hợp với thực tế.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, cho rằng, việc nhấn mạnh "phòng, chống" trong tên luật sẽ gây hiểu lầm, tạo cảm giác bia, rượu là độc hại, trong khi độc hại chỉ xảy ra khi sử dụng quá liều lượng và sử dụng sản phẩm không bảo đảm chất lượng.

Luật sư Đức, người theo dõi quá trình xây dựng dự thảo luật này, nói rằng, không nên lấy tác hại, một yếu tố phụ, để đặt tên cho Luật, trong khi mục đích của Lluật là phòng, chống phần độc hại trong rượu bia và lạm dụng rượu bia.

Hơn nữa, việc để tên của Luật không đúng với các nội dung ghi trong Luật có thể dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến sự chuẩn mực của luật cũng như sự không rõ ràng trong các quy định của luật.

Vị luật sư này cho rằng, cần xem xét lại quy định tại Điều 26. Nếu chỉ quy định về “Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia” là không đầy đủ, không toàn diện. Bởi trên thực tế, Luật về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu bia, cũng như các hàng hóa khác, nếu vi phạm đều bị xử lý theo pháp luật, không vì lý do có/không tác hại đến sức khoẻ.

Luật sư Đức cho rằng cần phải thay thế tên luật bằng tên gọi khác, trong đó thay 2 từ “phòng, chống” bằng từ “kiểm soát”. Có thể là "Luật Kiểm soát đồ uống có cồn" hoặc "Luật Kiểm soát việc lạm dụng rượu, bia", nếu chỉ tập trung vào việc hạn chế tác hại của rượu, bia hoặc tên là "Luật Quản lý rượu, bia" nếu như quy định cả điều kiện kinh doanh rượu bia.

Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành bia, rượu trong 3 năm gần đây giảm dần. Tổng thu nộp ngân sách của các doanh nghiệp trong toàn ngành năm 2017 ước đạt 50.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,7% GDP của Việt Nam.

Đến nay, chưa có quốc gia nào đặt tên là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mà chỉ có một vài nước ban hành chính sách pháp luật về rượu, bia như: Luật Kiểm soát đồ uống có cồn (Thái Lan năm 2008), Luật Kiểm soát rượu, bia và thuốc lá (Srilanka), Luật Kiểm soát đồ uống có cồn (Singgapo, Lithuania)...

Ở đây, theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), Ban soạn thảo mới nhìn ở góc độ y tế cộng đồng, chỉ tập trung nêu tác hại của rượu, bia, chưa tiếp cận ở góc độ văn hóa, kinh tế - xã hội.

Chủ tịch VBA cho rằng, điều quan trọng nhất, luật phải đi vào cuộc sống, có tính khả thi, hài hòa về đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp. Luật cần phải có tính thống nhất với các luật khác và đúng với Hiến pháp.