Thứ Ba | 30/12/2014 10:38

"Rủi ro hệ thống tổ chức tín dụng đã giảm bớt"

Nhận định được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đưa ra trong báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam 2014 mới đây.

Báo cáo phục vụ phiên họp Chính phủ tháng 12/2014 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) nhận định, kinh tế Việt Nam trong năm 2014 khả quan hơn 2013 với ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì vững chắc, tăng trưởng kinh tế phục hồi rõ nét và đồng đều, thị trường tài chính có những chuyển biến tích cực, cân đối ngân sách được cải thiện. 

Theo NFSC, nhờ quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD cũng như môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, rủi ro của hệ thống TCTD đã giảm bớt. Cụ thể, thanh khoản hệ thống dồi dào, tiền gửi của khu vực dân cư và tổ chức kinh tế tăng mạnh dù lãi suất huy động giảm, hệ số LDR giảm, mặt bằng lãi suất huy động, cho vay và cả liên ngân hàng giảm mạnh xuống mức thấp ngang với thời điểm 2016.

Đường cong lãi suất hợp lý hơn theo nguyên lý kinh tế. Chất lượng tài sản của hệ thống TCTD cải thiện, các TCTD tích cực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để xử lý nợ xấu.

Áp lực suy giảm năng lực tài chính của các TCTD giảm bớt. Chênh lệch lãi suất cho vay - huy động (NIM) đã ổn định sau khi giảm mạnh trong giai đoạn 2011 - 2013. NIM giảm từ 3,5% năm 2011 xuống 3,2% năm 2012 và 2,8% năm 2013 và được duy trì ổn định trong năm 2014. Tăng trưởng tín dụng cao hơn, phân bổ đều hơn theo tháng trong 2014.

Thị trường chứng khoán tăng khá. Theo NFSC, vốn hóa thị trường năm 2014 đạt 31,5% GDP. Huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa đạt 25.100 tỷ đồng, tăng 22% so với 2013. Tổng tài sản hệ thống Công ty Chứng khoán tăng trở lại lần đầu tiên kể từ 2011, đạt xấp xỉ 75.500 tỷ đồng, tăng 20% so với cuối 2013.

Chất lượng tài sản của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ được cải thiện đáng kể một phần do các công ty chủ động cơ cấu lại danh mục đầu tư, một phần do giá chứng khoán cải thiện. Đến 25/12, chỉ số VN-Index tăng 5,5%.

Cân đối ngân sách được cải thiện nhờ tăng thu, nhất là thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Lũy kế đến 15/12, tổng thu NSNN bằng 104% dự toán, tăng 11% so với cùng kỳ. 

Theo NFSC, lạm phát ở mức thấp nhất 10 năm trở lại đây với 1,84% là do giá hàng hóa và năng lượng thế giới giảm, góp phần cắt giảm chi phí đầu vào của sản xuất,giảm thiểu tác động đến lạm phát của yếu tố chi phí đẩy (mặt hàng xăng A92 giảm hơn 30% trong năm).

NFSC ước tính, mặt hàng xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu chiếm 14,6% chi phí trung gian của nền kinh tế, tương đương 8,8% tổng giá trị sản xuất của nền kinh tế. Ngoài ra, lạm phát thấp còn vì tổng cầu thấp, tâm lý lạm phát của dân chúng ổn định nhờ lạm phát được kiểm soát trong 2 năm liên tiếp.

Tỷ giá USD/VND chỉ tăng 1% trong năm, trước hết do thực thi chính sách tiền tệ hướng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng VND. Khoảng cách giữa lãi suất đồng ngoại tệ và nội tệ được duy trì khá rộng tạo tính hấp dẫn của tiền gửi nội tệ, khắc phục tình trạng đô la hóa. 

Bên cạnh đó, tỷ giá được hỗ trợ bởi thặng dư thương mại ước đạt 2 tỷ USD, nguồn FDI, ODA, kiều hối tăng khá và lãi suất thế giới duy trì ở mức thấp, thậm chí là thấp kỷ lục tại nhiều khu vực và nền kinh tế đã tạo điều kiện duy trì mức lãi suất ngoại tệ thấp trong nước, tăng tính hấp dẫn của đồng nội tệ.

NFSC cho biết, mặc dù số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động vẫn tăng so với 2013 nhưng quy mô vốn của doanh nghiệp mới thành lập lớn hơn. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù số doanh nghiệp đăng ký mới giảm 2,7% nhưng vốn đăng ký bình quân tăng 11,5% so với 2013.

Mức sinh lời của doanh nghiệp được cải thiện. Sau thời gian dài suy giảm, ROA, ROE của các doanh nghiệp niêm yết 9 tháng 2014 lần lượt là 3,8% và 9,4%, tăng 0,5 và 1,1 điểm % so với cùng kỳ 2013. 

Các ngành có ROA, ROE cải thiện tốt bao gồm xây dựng, vận tải kho bãi, bán buôn bán lẻ, nông lâm thủy sản. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng tổng tài sản bình quân 9 tháng 2014 cũng tăng 12,8% so với cùng kỳ 2013.

Khả năng thanh toán và trả lãi của doanh nghiệp được cải thiện. Khả năng thanh toán ngắn hạn, khả năng thanh toán nhanh tăng nhẹ so với kỳ trước ở mức 1,5 lần và 0,9 lần. Khả năng thanh toán lãi vay của doanh nghiệp phi tài chính cải thiện đáng kể từ 2013, đạt 5,4 lần trong 9 tháng 2014, tăng 1,1 lần so với cùng kỳ 2013. 

Khả năng thanh toán lãi vay được ghi nhận tăng ở hầu hết các ngành kinh tế ngoại trừ khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thị trường bất động sản có dấu hiệu thoát đáy. Theo Bộ Xây dựng, số giao dịch và doanh số giao dịch thành công đã tăng nửa cuối 2014, hàng tồn kho giảm.

Sang năm 2015 tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục xu thế phục hồi và mục tiêu tăng trưởng 6,2% là khả thi. Trong khi đó, môi trường kinh tế vĩ mô có điều kiện để duy trì ổn định, nhất là đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát. 

Với dự báo giá dầu thế giới trong năm 2015 giảm 33% và giả định giá xăng dầu trong nước giảm tương ứng, NFSC ước tính giá thành sản phẩm sản xuất trong nước sẽ giảm 3%. 

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi do sự cải thiện về tiêu dùng và đầu tư tư nhân, tăng trưởng trong năm vẫn còn những khó khăn do kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và không ít bất trắc; giá dầu giảm ảnh hưởng đến cân đối ngân sách và khả năng đáp ứng vốn cho đầu tư phát triển; giá hàng hóa thế giới giảm, trong khi tốc độ tăng xuất khẩu đang có xu hướng giảm nhanh, nhất là khu vực nước ngoài.

Nguồn DVO/NFSC