Đức Phúc Thứ Sáu | 30/03/2018 08:30

Rong Việt vs rong Nhật

Tại nhiều hội chợ, sản phẩm của Công ty Rong nho Kavia (Ninh Thuận), thường thu hút khá đông thực khách dùng thử món rong nho tươi.

Đại diện của Công ty cho biết, toàn bộ giống và quy trình nuôi, sản xuất rong nho đều theo công nghệ Nhật và xuất thô cho các đối tác Nhật. Hiện nay, Công ty có thương hiệu riêng Kavia và chế biến rong nho tươi, rong biển muối, hạt nêm rong nho... để cung cấp cho thị trường trong nước. Trong khi đó, giới trẻ trong nước cũng đã quen với nhiều món ăn từ rong như rong biển cháy tỏi, kimbap, canh rong biển, snack Kim...

Ở trên “mỏ” rong lớn

Rong biển được sử dụng phổ biến tại Nhật từ thế kỷ XVIII. Các quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines cũng sử dụng nhiều sản phẩm rong trong văn hóa ẩm thực. Không những vậy, rong biển còn có một số lợi ích nhất định được ứng dụng trong y tế và sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, rong tảo chưa thực sự được xem trọng và còn ít được ứng dụng nhiều vào đời sống. Vì vậy, mặc dù là một quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển nói chung và nuôi trồng, sản xuất rong biển nói riêng nhưng Việt Nam lại đi chậm hơn nhiều so với các quốc trong khu vực về ngành này. 

“Đối với người Việt, rong rêu là thứ không quý và họ không thích ăn thức ăn có mùi vị tanh”, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Đăng Nghĩa, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường, Đại học Nha Trang chỉ ra một trong những lý do đơn giản về việc rong biển chưa phát triển nhiều tại Việt Nam.

Trong khi đó, với bờ biển dài 3.260km với diện tích mặt nước khoảng 1 triệu km2, Việt Nam rất thích hợp cho việc phát triển ngành rong biển, đặc biệt là vùng miền Trung có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho trồng rong biển. Việt Nam đã xác định được 800 loài rong biển, trong đó, nhiều chi có sản lượng tự nhiên lớn như: rong nâu, rong đỏ, rong lục, rong nho và một số loài khác, được nuôi trồng trong ao, đìa, vịnh, bãi triều ven biển. 

Các nghiên cứu tại 10 đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã xác định được 255 loài rong biển thuộc 4 ngành là khuẩn lam, rong đỏ, rong nâu và rong lục. Trong đó, rong đỏ chiếm ưu thế hơn cả (136 loài, chiếm 53,3%), tiếp theo là rong lục (69 loài, chiếm 27,0%), khuẩn lam và rong nâu có số lượng bằng nhau (25 loài, chiếm 9,8%).

Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, vùng biển của Việt Nam có trữ lượng tự nhiên từ 80-100 tỉ tấn rong. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, rong biển là nguồn chất xơ, giàu chất oxy hóa, vitamin và protein. Ngoài ra, rong biển còn được chứng minh có khả năng chống ung thư, kiểm soát bệnh béo phì, ức chế các enzyme gây dị ứng. Bên cạnh đó, rong biển còn làm nguyên liệu cho rất nhiều ngành công nghiệp (thực phẩm, dệt may, mỹ phẩm, dược phẩm...).

Theo nhiều nghiên cứu, diện tích có tiềm năng cho trồng rong ở Việt Nam vào khoảng 900.00ha (tương đương với sản lượng 600.000-700.000 tấn khô/năm) nhưng việc trồng rong ở Việt Nam còn rất sơ khai, nhiều năm diện tích trồng rong không có đột phá. Theo kế hoạch dự kiến đến năm 2020, cũng chỉ có khoảng 12.600ha trồng rong với sản lượng ước đạt 137.500 tấn.

Rong Viet vs rong Nhat
 

Đủ chuẩn xuất sang Nhật

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Việt như Kavia cũng đã bắt đầu chú ý đến ngành công nghiệp non trẻ này. Kể từ năm 2004, rong nho biển đã được du nhập vào Việt Nam và trồng thành công tại 2 tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa, tạo nguồn rong xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Điều quan trọng là phải tạo đầu ra ổn định và gia tăng giá trị cho sản phẩm. Đồng thời, mở rộng các thị trường trong và ngoài nước, quảng bá các sản phẩm của Việt Nam làm được từ rong, trồng ở Việt Nam có giá trị, chất lượng cao.

Cùng với một số loại rong, tảo biển có nhiều ứng dụng, thời gian qua, rong nho của Việt Nam đã có thể xuất khẩu. Theo chia sẻ của anh Lê Minh Trí, đại diện Công ty Trí Tín, đây cũng là điểm đặc trưng của loại rong nho được trồng tại vùng biển Việt Nam. Rong nho có vị mặn nhẹ, lạ miệng, giàu vitamin A, E, khoáng chất...

Đây được xem là một loại dược liệu quý, tốt cho sức khỏe và sắc đẹp. Nhật tiêu thụ rong nho rộng rãi và phổ biến nhất, nhưng do là đất nước hàn đới nên chỉ trồng được loại rong này tại vùng Okinawa. “Việt Nam là đất nước nhiệt đới và vùng biển miền Trung nói chung, thị xã Ninh Hòa ở Khánh Hòa nói riêng, hoàn toàn nuôi được rong nho”, anh Trí nói.

Chia sẻ với NCĐT, anh Trí cho biết, sau 20 ngày, rong nho trồng tại Việt Nam, đã có được chiều dài từ 10-20 cm, so với chỉ 6-7 cm nếu trồng ở Nhật. Hiện nay, với phương pháp trồng trên khay nhựa không tiếp đáy, sau 15-20 ngày đã có thể thu hoạch với năng suất khoảng 30-40 tấn/ha/năm cao gấp đôi so với Nhật.

Mỗi năm, Trí Tín xuất ngược sang thị trường Nhật từ 7-10 tấn rong nho. Với điều kiện và phương pháp trồng hiện tại rong nho của Việt Nam đã có mặt tại một số thị trường như Đức, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc.

Một số doanh nghiệp tại Nha Trang đã phát triển nhiều sản phẩm mới từ rong như: rong sụn gai khô, mứt rong biển, bánh tráng rong biển, rong câu chỉ vàng, trà rong biển, nước sâm rong biển, rong nho tách nước, rong mứt nấu canh... Có thể thấy, với hàng trăm loại rong biển, lợi thế của Việt Nam trong thị trường này không nhỏ nhưng phụ thuộc nhiều vào phương pháp khai thác, nghiên cứu và sản xuất chế biến các sản phẩm từ rong biển.

Tuy nhiên, tại hệ thống phân phối siêu thị, các sản phẩm rong chiếm ưu thế là hàng nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc và Nhật. Bên cạnh đó, ngay tại thủ phủ rong Nha Trang, nhiều sản phẩm rong từ Trung Quốc cũng xuất hiện khá nhiều.Riêng đối với sản phẩm rong biển chế biến từ Thái Lan lại được sản xuất đa dạng với nhiều hương vị hơn. Giá bán rong biển gói 4-5 gram từ 10.000-15.000 đồng/gói, tảo biển từ 10.000-14.000 đồng/gói. Trong khi đó, những sản phẩm rong biển được sản xuất, chế biến từ các công ty Việt Nam lại khá “khiêm tốn” trước các sản phẩm ngoại nhập.

Việt Nam có bài học của Thái Lan trong việc cạnh tranh với các sản phẩm rong nổi tiếng của Nhật và Hàn Quốc. Các sản phẩm của Thái Lan khá đa dạng, được tiêu thụ nhiều như rong biển chiên, sấy, snack với nhiều hương vị. Những sản phẩm này đang được bán với giá từ 6.000-72.000 đồng cho các gói từ 5-24 gram.

Dẫn đầu ngành rong biển của Thái Lan phải nhắc đến tỉ phú trẻ Itthipat Peeradechapan - cha đẻ thương hiệu Taokaenoi đã lọt vào top 50 người giàu nhất Thái Lan với sản phẩm snack rong biển. Sau hơn 10 năm xuất hiện trên thị trường, sản phẩm của công ty này đã chiếm hơn 60% thị phần snack rong biển ở Thái Lan.

Năm 2016, doanh số bán của hãng này đã đạt 136 triệu USD. Tỉ phú này đang rất sẵn sàng tăng sản lượng lên đến 12.000 tấn sản phẩm và hơn 20 triệu USD để lập nhà máy mới phục vụ xuất khẩu. Lãnh đạo Công ty quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực này bởi rong biển đang được khoảng 20% dân số thế giới tiêu thụ.

Bài học này cho thấy, nếu được đầu tư thích hợp, cộng với sự năng động của doanh nghiệp, ngành chế biến rong biển của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội.