Reuters: Việt Nam vẫn hấp dẫn đầu tư nước ngoài dù TPP thiếu Mỹ
Cứ mỗi 45 giây, một chiếc áo sơ mi VanHeusen dành cho cửa hàng JC Penney tại Mỹ lại được xuất xưởng trong một nhà máy gần Hà Nội.
Cạnh đó, các cánh đồng lúa rộng bằng 40 sân bóng đá đang nhường chỗ cho dự án nhà máy dệt trị giá 320 triệu USD mà TAL Group (Hong Kong) dự kiến sẽ xây dựng, nhằm bỏ qua công đoạn nhập khẩu vải may áo sơ mi.
Cũng như ở các khu vực khác của Việt Nam, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các kế hoạch đầu tư của nước ngoài bị tác động kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam hơn bất kỳ nước nào khác.
Thực tế, giá trị các khoản đầu tư nước ngoài đã tăng 6% so với năm ngoái lên 6,15 tỷ USD trong năm tháng đầu năm nay. Chi phí lao động rẻ là một điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Giám đốc điều hành của TAL, Roger Lee, cho biết Việt Nam cũng được đánh giá cao về năng lực quản lý tầm trung, thái độ làm việc của công nhân, và chính sách của chính phủ.
"Việt Nam là một lựa chọn rất hấp dẫn", ông Lee nói.
Tiền lương công nhân ngành may Việt Nam hiện ở mức 250 USD/tháng, so với con số 700 USD tại Trung Quốc, nơi TAL gần đây đã đóng cửa nhà máy vì lý do chi phí.
Việc giảm thuế lên tới 30% sẽ giúp cho các công ty may mặc hưởng lợi đặc biệt từ TPP, vốn được dự đoán sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm 28% và GDP tăng thêm 11% trong vòng một thập kỷ.
Các công ty may mặc khác cũng không hề nản lòng khi TPP bị đổ vỡ. Giám đốc điều hành của Lawsgroup là Bosco Law nói với Reuters rằng họ đang tìm cách mở rộng hơn nữa, so với quy mô hiện nay là 3 nhà máy và 10.000 công nhân.
Mức thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ, hiện lớn thứ 6 trong số các đối tác thương mại của Mỹ, đang bị xem xét kỹ lưỡng dưới chính sách "America First" (nước Mỹ trên hết) của Tổng thống Trump, nhằm mang việc làm sản xuất về lại nước này. Nhưng điều đó đã không làm nản lòng giới đầu tư.
"Chúng tôi đã bắt đầu làm việc với một vài công ty sản xuất của Mỹ, họ đã liên lạc với chúng tôi sau khi TPP đổ vỡ, và họ đã sẵn sàng chuyển một phần hoạt động ra khỏi Trung Quốc", Oscar Mussons từ công ty tư vấn Dezan Shira & Associates cho biết.
Rẻ hơn Trung Quốc
Việt Nam đã được lợi nhiều khi chi phí sản xuất của Trung Quốc gia tăng, và Trung Quốc hiện cũng là một trong ba nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
Thỏa thuận TPP giúp các nhà sản xuất đặt cơ sở tại Việt Nam tăng khả năng tiếp cận với Mỹ và các thị trường khác, nhưng cũng buộc Việt Nam phải cải cách, từ mở cửa thị trường nhập khẩu lương thực cho đến tăng quyền lợi cho người lao động.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói với Reuters rằng Việt Nam đã lên kế hoạch tiếp tục theo đuổi các cam kết với TPP, bao gồm cả việc tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế, và các thỏa thuận thương mại khác như FTA với Liên minh châu Âu (EU). 11 nước TPP còn lại cũng đang tiếp tục giữ hiệp định này tồn tại.
Bộ trưởng Dũng cho biết Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 10 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mỗi năm trong vòng 5 năm tới, thấp hơn mức 16 tỷ USD trong năm 2016 bởi Việt Nam đang muốn thu hút vốn một cách có chọn lọc.
"Trước kia chúng tôi tập trung vào số lượng, bây giờ thì là chất lượng. Công nghệ cao hơn, giá trị gia tăng cao thêm, ít sử dụng năng lượng hơn, ít sử dụng nguyên vật liệu hơn, ít lao động giá rẻ hơn", ông Dũng nói.
Đó là một thách thức lớn, bởi Việt Nam vẫn còn thua kém đối thủ cạnh tranh về các kỹ năng quan trọng nhất. Tỷ lệ học sinh cấp 2 tiếp tục học lên cao hơn nữa của Việt Nam thấp hơn 1/3 so với Trung Quốc và thấp hơn 3 lần so với Hàn Quốc.
"Việt Nam vẫn là một nước rất hấp dẫn, nhưng các doanh nghiệp có thể không đầu tư nhiều như kỳ vọng, vì họ nhận thấy nhân viên thiếu kỹ năng tạo ra giá trị giá tăng", Mussons cho biết.
"Các doanh nghiệp đã quá tập trung vào việc tiết giảm chi phí mà không chú trọng đào tạo nhân viên".
Trường Văn
Nguồn Reuters