Báo mới
Reuters: Việt Nam thoái vốn thành công doanh nghiệp nhà nước
Theo Reuters, thương vụ bán 20% cổ phần PV Power là một chương thành công tiếp theo của quá trình thoái vốn của nhà nước Việt Nam. Các thương vụ bán vốn là rất thành công, cũng giống như sự thăng hoa của chứng khoán Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,7% trong quý IV vừa qua so với cùng kỳ năm 2016. Việt Nam đang thúc đẩy tự do thương mại và giảm vai trò của nhà nước trong mọi thứ từ bia đến trạm xăng. Theo Reuters, đây giống như những gì mà Thủ tướng Margaret Thatcher đã làm trong trong những năm 1980.
Lập trường kinh tế của bà Thatcher là tiến hành tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và thiết lập ra các quy định đối với dịch vụ viễn thông, khí đốt, nước và hầu hết các hạng mục thiết yếu của đời sống. Điều này đã mở đường cho sự cạnh tranh công bằng về lợi ích của những ngành này. Các chính sách của Thủ tướng Thatcher cũng chú trọng tới các hoạt động mở cửa cho đầu tư thương mại tự do và các nguồn vốn trực tiếp từ nước ngoài.
Việc bán cổ phần của Sabeco vào tháng 12 là thời khắc của sự thay đổi. Gần một thập kỷ sau IPO và gần một năm sau khi niêm yết một lượng nhỏ cổ phiếu, chính phủ Việt Nam đã bán gần 54% cổ phần Sabeco cho Thai Beverage với giá 4,8 tỷ USD. Mức giá cao như vậy đang khuyến khích các công ty nhà nước khác của Việt Nam thực hiên bán vốn tương tự.
Dự kiến sẽ có nhiều thương vụ bán vốn khác từ MobiFone, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Strata) cho tới Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist). Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, 70% trong số 271 thương vụ thoái vốn, dự kiến trong giai đoạn 2018 đến 2020, sẽ diễn ra trong năm nay.
Những lo ngại về tác động của tỷ giá và nợ tăng lên cũng không làm giảm sự hăng hái trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE).
Tuy nhiên, việc HoSE bị hoãn giao dịch 2 ngày trong tuần trước do lỗi kĩ thuật là một lời nhắc nhở kịp thời rằng hệ thống vẫn còn đang non trẻ như thế nào.
Chính phủ Việt Nam đã rất nhất quán trong việc thực hiện những thay đổi, bao gồm giảm thời gian giữa đợt IPO và niêm yết. Chính phủ cũng cho phép các tổ chức bảo lãnh đánh giá nhu cầu của nhà đầu tư trong cái gọi là phương pháp dựng sổ (book-building), khi bán tài sản của nhà nước.
Sử dụng các phương pháp tiếp cận của phương Tây có thể giúp giảm giá của các thương vụ thoái vốn không quá cao, đến mức có thể làm ảnh hưởng đến các đợt thoái vốn sau này, và tạo ra một cơ cấu cổ đông cân bằng hơn. Việc sửa đổi luật chứng khoán có hiệu lực từ năm 2019 bao gồm các quy định về giao dịch cũng như quản trị cũng sẽ giúp ích cho quá trình thoái vốn diễn ra trơn tru hơn.