Reuters: Doanh nghiệp Việt giảm nhập hàng Trung Quốc, chờ TPP
"Chẳng có ai muốn mua hàng Trung Quốc nữa. Tôi đã chuyển sang bán đồ Việt Nam và Thái Lan từ tháng trước rồi", Lê Thắng Lợi - chủ một cửa hàng gia dụng tại Hà Nội cho biết.
Reuters nhận xét quan hệ thương mại giữa hai nước đã xuống cấp từ đầu tháng 5, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc này đã gây ra làn sóng biểu tình nhắm vào nhiều nhà máy Trung Quốc.
Động thái của Trung Quốc cũng khiến Việt Nam nhận ra sự phụ thuộc thương mại của mình vào nước láng giềng. Bất kỳ gián đoạn nào giữa hai nước đều có thể gây tổn thương nặng đến Việt Nam, trong khi Trung Quốc chỉ ảnh hưởng không đáng kể.
Năm ngoái, kim ngạch giữa hai nước đạt 50 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam nhập khẩu 30% hàng từ Trung Quốc, tương đương 37 tỷ USD. Trong khi số này chỉ chiếm 1% tổng xuất khẩu của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, 40% lượng gạo và cao su xuất khẩu của Việt Nam hàng năm là sang Trung Quốc. Nước này cũng đóng góp 25% khách du lịch cho Việt Nam, nhưng tỷ lệ này gần đây đang giảm.
Một khảo sát của Grant Thornton trên 18 khách sạn tại Việt Nam cho thấy khách Trung Quốc đã hủy 15.000 ngày đặt phòng từ đầu tháng 5, tương đương 1,8 triệu USD. 13 trong 19 chuyến bay hàng ngày từ Trung Quốc đến Đà Nẵng cũng đã bị ngừng lại. Chính quyền Đà Nẵng cho biết số lượt khách Trung Quốc tới đây cũng đã giảm 85% trong tháng 5 và tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyễn Duy Thanh - hướng dẫn viên 31 tuổi cho khách Trung Quốc tại Viettravel Hà Nội đã chẳng có việc làm từ tháng 5. Anh lo ngại khách Trung Quốc sẽ không tới Việt Nam nữa. "Tôi đã bắt đầu học tiếng Anh để làm cho khách phương Tây", Thanh nói.
Các công ty Việt Nam cũng nhận thức được căng thẳng ngoại giao sẽ đe dọa quan hệ kinh tế như thế nào. Chỉ số Vn-Index ngày 8/5 đã giảm kỷ lục 6% trong một phiên.
Một số nhà kinh tế cho rằng ảnh hưởng từ căng thẳng giữa hai nước có thể khiến giảm tăng trưởng của Việt Nam thêm 1%. Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 5,8%.
Về lượng vốn đầu tư vào Việt Nam, Trung Quốc chỉ xếp thứ 8 trong 7 tháng đầu năm. Con số này tương đối thấp so với 2,4 tỷ USD từ Hàn Quốc hay 643 triệu USD từ Nhật Bản.
Tuy nhiên, sản xuất - lực đẩy kinh tế lớn của Việt Nam, lại phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu từ Trung Quốc, với 70% linh kiện điện thoại và 25% thiết bị điện phải nhập từ nước láng giềng, theo Tổng cục Hải quan .
Yếu tố có thể thay đổi tình hình hiện tại là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được đàm phán từ năm 2009. Do Trung Quốc không nằm trong các nước tham gia đàm phán để hình thành khối thương mại đóng góp 30% kim ngạch toàn cầu.
Cơ hội tiềm năng từ TPP đã khiến nhiều công ty lớn tại Việt Nam phải đánh giá lại chiến lược. Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam, với quy mô 18 tỷ USD năm ngoái, sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn hơn Trung Quốc (nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất sang Mỹ) một khi TPP hoàn tất.
Với các công ty dệt may Việt Nam, việc này đồng nghĩa không nhập vải từ Trung Quốc. Do các đại diện đàm phán của Mỹ đòi hỏi nguyên vật liệu phải được làm trong nước, hoặc nhập từ các nước thành viên TPP.
Nhà máy sợi Việt Đức tại Bình Dương tháng trước đã vay 100 tỷ đồng để đầu tư xây nhà máy dệt vải riêng, tránh phụ thuộc vào nhập khẩu khẩu, theo ông Nguyễn Ngọc Tâm - Phó tổng giám đốc Ngân hàng phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) cho biết.
Vinatex cũng lên kế hoạch IPO tháng 9 năm nay, với mục tiêu thu về 1 tỷ USD để mở rộng kinh doanh. Trong đó, họ sẽ mở nhiều cơ sở sản xuất nguyên vật liệu riêng.
TPP chính là vận may với các công ty Việt Nam khi đã nhận ra sự lệ thuộc vào Trung Quốc. "Các doanh nghiệp Việt Nam thường suy nghĩ rất ngắn hạn. Tôi hy vọng họ có thể rút ra bài học từ sau căng thẳng với Trung Quốc", giám đốc một công ty dệt may nước ngoài tại Việt Nam cho biết.
Nguồn VnExpress