Tài Trần - Phúc Thịnh Thứ Ba | 29/11/2016 08:00

RCEP lấp khoảng trống TPP?

Với RCEP, Việt Nam sẽ nhận được lợi ích đáng kể đến từ việc nguồn cung ứng sản xuất từ Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc tăng lên.

Trong khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể bị trì hoãn, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trở thành niềm hy vọng mới của Việt Nam.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, bình luận trong một báo cáo mới đây của ngân hàng này cho rằng: “Chúng ta có thể đang tập trung quá nhiều vào khả năng TPP không được thông qua mà quên rằng đàm phán của các hiệp định tự do thương mại khác vẫn đang tiếp diễn. Một hiệp định thương mại khác với quy mô nhỏ hơn tập trung vào châu Á có thể kể đến là RCEP”. Thực tế, hiệp định này kết nối 3 nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á), tạo ra khu vực tự do thương mại giữa 16 nền kinh tế châu Á và đóng góp khoảng 22.400 tỉ USD GDP và 10.000 tỉ USD giá trị thương mại thế giới.

Nhận định của HSBC một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của RCEP nổi lên như một hiệp định có khả năng bù đắp khoảng trống nếu TPP không được thông qua. Hiệp định này đặc biệt sẽ có lợi cho khối các nước Đông Nam Á do nó sẽ giảm thiểu những bất hợp lý giữa các hiệp định tự do thương mại trước đó, từ đó đẩy mạnh lợi thế cạnh tranh của khu vực này. RCEP ít phức tạp hơn, bởi hiệp định này không tạo ra một khung pháp lý với tiêu chuẩn cao. RCEP có thể không thúc đẩy tăng trưởng sản lượng như TPP nhưng những lợi ích có thể sẽ được chia sẻ công bằng hơn khắp châu Á. Do đó, những nền kinh tế có mức tăng trưởng thấp sẽ phần nào được san sẻ từ những nền kinh tế đã và đang có tốc độ tăng trưởng cao.

Hơn nữa, bằng cách kết nối 3 thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới - Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN, Hiệp định RCEP đưa ra một khuôn mẫu phát triển “Nam - Nam” (các nước đang phát triển ở Nam bán cầu) mới và từ đó có thể phần nào bù đắp tình hình nhập khẩu và đầu tư ảm đạm ở các nước phương Tây.

Hiệp định RCEP đã đi tới vòng đàm phán thứ 15 và hy vọng sẽ hoàn tất vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, nhiều khả năng, hiệp định này sẽ bị kéo dài qua năm 2017 và kết thúc vào giữa năm 2017. Sự khác biệt rõ ràng nhất giữa TPP và RCEP là việc Trung Quốc có tham gia vào RCEP (trong khi đó lại không có Mỹ, cùng với tất cả các nền kinh tế khác không thuộc châu Á).

Những yêu cầu của RCEP tương thích với nội dung chiến lược “Một vành đai, một con đường” mà Trung Quốc khởi xướng - một chiến lược kéo dài nhiều năm, đầu tư nhiều tỉ USD nhằm mở rộng thương mại và đầu tư của Trung Quốc ra khắp châu Á, với sự hỗ trợ của các định chế tài chính mới như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

RCEP sẽ đem lại sự thúc đẩy đáng kể đến GDP toàn phần cho tất cả các quốc gia thành viên, mặc dù chưa đến mức mà Hiệp định TPP đem lại lợi ích cho một số nước chú trọng thương mại của châu Á. Chẳng hạn, theo HSBC, kết quả cho thấy Singapore có lợi ít nhất khi RCEP sẽ có trên các chuỗi cung ứng toàn khu vực ASEAN mà trong đó các ngành công nghiệp của Singapore đều tham gia. Hàn Quốc sẽ có khả năng được hưởng lợi từ RCEP bằng cách thâm nhập thêm vào thị trường ASEAN và Nhật - thị trường lớn thứ hai và thứ tư của Hàn Quốc. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ lo lắng về RCEP vì nước này hiện có thâm hụt thương mại hằng năm 52,3 tỉ USD với Trung Quốc - quốc gia chiếm 16% nhập khẩu đối với Ấn Độ, nhưng đổi lại chỉ có 4% xuất khẩu. Ấn Độ lo ngại rằng Trung Quốc có thể kết thúc việc xuất khẩu nguồn cung ứng dư thừa các vật liệu công nghiệp, từ đó cản trở những nỗ lực công nghiệp của Ấn Độ, đặc biệt là chiến dịch “Made in India”...

Ngược lại, theo HSBC, Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ RCEP. Một mặt, Việt Nam sẽ tham gia vào các thỏa thuận mới và sẽ thấy những lợi ích đáng kể đến từ việc nguồn cung ứng sản xuất từ Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc tăng lên. Mặc dù từ Hiệp định RCEP sẽ có một sự thúc đẩy tiềm năng cho sản lượng (mà chưa phải hiệp định đã hoàn tất việc ký kết), cũng cần lưu ý rằng Việt Nam cũng thua thiệt nhiều nhất từ việc TPP không được thông qua.

Hiệp định TPP đã có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam khả năng tiếp cận thị trường Mỹ, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Thực tế, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ chiếm 17,9% GDP, so với mức 3,8% của Trung Quốc.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cao cấp, TPP và RCEP không mâu thuẫn và chồng chéo nhau, mà có sự bổ sung trong việc thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam. “Trong 5 năm khi RCEP được thông qua và đi vào thực thi, GDP của Việt Nam có thể đạt mức gần 8%. Riêng đối với nguồn vốn FDI, các nước thành viên của RCEP chiếm đến 85% dòng vốn toàn thế giới và đây sẽ yếu tố quan trọng tác động đến nền kinh tế Việt Nam”, ông Thành nhận định.

Cùng với những lợi ích có được trong RCEP, các nước thành viên nói chung và Việt Nam nói riêng cũng được cảnh báo về các vấn đề cạnh tranh thương mại khi nền kinh tế mở cửa. “Các nước thành viên, đặc biệt là Việt Nam cần chuẩn bị tâm lý phải cạnh tranh khốc liệt hơn ngay trên sân nhà khi hàng hóa từ các nước phát triển hơn trong khu vực sẽ tràn vào với mức thuế suất thấp hơn…”, ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn dự án EU-MUTRAP, nhận định.

Ngoài ra, nếu cấu trúc RCEP cho phép các nước tự do hóa thương mại với các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam thì Việt Nam sẽ gặp sức ép cạnh tranh đáng kể. Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều về đầu vào nhập khẩu để phục vụ sản xuất, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế.

Mức độ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động thương mại dịch vụ khá khiêm tốn. Việt Nam còn có thể gặp nhiều bất lợi, khi Trung Quốc và Việt Nam đều sẽ được hưởng những ưu đãi trong xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật và Hàn Quốc. Bởi vì, Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp Trung Quốc khi xuất khẩu các mặt hàng như may mặc, giày dép sang Nhật; ngành hàng chăn nuôi, thức ăn và dệt may sang Hàn Quốc.

Với TPP, Việt Nam được hưởng lợi từ những ngành có sẵn thế mạnh như: dệt may, da giày sang các thị trường lớn như Mỹ, Canada… Vì vậy, với RCEP, Việt Nam cũng cần chuẩn bị sẵn sàng nếu như có sự xoay trục cơ cấu các ngành xuất khẩu sang các quốc gia thành viên của hiệp định như xuất khẩu lập trình viên, kỹ sư công nghệ sang Nhật... Cơ cấu nội tại bị thay đổi sẽ có sự thay đổi trong cán cân xuất và nhập khẩu cũng như nguồn lực lao động.

Trong tự do hóa thương mại, các nước trình độ kém sẽ không nhận được chia sẻ lợi ích phát triển, sẽ thành thị trường hàng hóa thay vì thị trường nhân tố sản xuất. Vì vậy, dù đứng trước TPP hay RCEP, Việt Nam cũng không thể trì hoãn những cải cách sâu rộng để tận dụng được mọi cơ hội có thể gặt hái được.

Tài Trần - Phúc Thịnh