Rau quả tiếp tục vào top “tỷ đô”
Thuận lợi thị trường
Hết 9 tháng năm 2014, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả đã vượt mốc 1,1 tỷ USD của năm 2013, đạt 1,16 tỷ USD, tăng 45,2% so với cùng kỳ. Hiện xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn giữ “ngôi vị” quán quân với 321,4 triệu USD tăng 37,7% so với cùng kỳ, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả với các mặt hàng chủ yếu như xoài, vải, nhãn, chuối, thanh long, dừa và dứa.
Tiếp đến là thị trường Nhật Bản đạt kim ngạch 56,2 triệu USD, tăng 20,8%. Hàn Quốc là thị trường xếp thứ 3 với 43,68 triệu USD nhưng lại là thị trường có mức tăng trưởng lớn nhất, tăng tới 97%. Thị trường Hoa Kỳ tăng 12% với kim ngạch 41,4 tỷ USD. Một số thị trường khác như Nga, Thái Lan, Malaysia… cũng có mức tăng trưởng tốt.
Ông Đinh Văn Hương, Chủ tich Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, gần đây, một số thị trường lớn tiêu thụ rau quả như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Australia… càng quan tâm nhiều hơn đến nguồn cung rau quả từ Việt Nam.
Cụ thể, với thị trường Hoa Kỳ, ngoài những mặt hàng xuất khẩu truyền thống như thanh long và chôm chôm, từ ngày 6-10-2014, Hoa Kỳ đã chính thức cấp phép nhập khẩu cho nhãn và vải của Việt Nam. Với quyết định này, dự kiến mỗi năm, Việt Nam có thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ khoảng 600 tấn vải và 1.200 tấn nhãn, đóng góp một phần không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả nói chung.
Ngoài ra, theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, dự kiến, từ năm 2015, Australia cũng chính thức cho phép quả vải Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này.
Như vậy, tiềm năng xuất khẩu rau quả là rất lớn khi được sự “quan tâm” của nhiều thị trường. Mục tiêu 1,2 tỷ USD trong năm 2014 có thể đạt được.
Cần hỗ trợ
Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý của xuất khẩu rau quả là thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, các đối tác phía Trung Quốc thường xuyên áp dụng chính sách thương mại biên giới của địa phương, hình thức buôn bán không ổn định, nên việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn và rủi ro bất thường.
Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga lại gặp khó khăn. Đối với các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Hoa Kỳ thì thường vướng mắc vào các rào cản kỹ thuật với các điều kiện khắt khe đối với chất lượng rau quả của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thị trường Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng nhập khẩu các sản phẩm rau tươi và giảm dần các sản phẩm đóng hộp từ Việt Nam.
Không những thế, ông Maxim Golikov, Trưởng Cơ quan Đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam cho hay, xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang Nga trong năm 2013 tăng 30% và đang có chiều hướng gia tăng, nhưng chưa thấm vào đâu so với 8 tỷ USD Nga bỏ ra mỗi năm để nhập khẩu rau quả.
“Nguyên nhân xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Nga còn hạn chế không phải hoàn toàn do giá cả, chất lượng mà doanh nghiệp hai nước ít hiểu biết, liên hê trực tiếp với nhau”, ông Maxim Golikov nói.
Có lẽ đây không chỉ là khó khăn riêng của thị trường Nga mà còn là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp khi muốn xuất khẩu mà không nắm bắt rõ thị trường.
Do vậy, một số doanh nghiệp kiến nghị về sự kết nối giữa các cơ quan thương vụ để doanh nghiệp có thêm thông tin, thêm cơ hội giao lưu trực tiếp với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu thực sự, từ đó xây dựng chiến lược hợp tác và kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Phía Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị, các bộ, ngành cần đẩy nhanh quá trình đàm phán các thỏa thuận chung liên quan đến Quy trình đánh giá rủi ro nhập khẩu đối với hoa quả tươi của Việt Nam để tạo cơ hội xuất khẩu các loại trái cây của Việt Nam vào các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản (xoài, măng cụt, sầu riêng), vào Hoa Kỳ (xoài, vải, vú sữa, nhãn)…
Nguồn Báo Hải quan