EVFTA sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp rau quả mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: Quý Hòa
Rau quả chinh phục thị trường khó tính
NỐI LẠI XUẤT KHẨU
Sau khoảng thời gian tăng trưởng âm do dịch COVID-19, đến nay, xuất khẩu rau quả đã phục hồi trở lại. Vừa nối lại thị trường xuất khẩu rau sang Hàn Quốc, Công ty Trang trại Trường Phúc (Đà Lạt) đang hối hả xuống giống sản phẩm rau thủy canh cho đơn hàng 30 tấn kịp giao trong tháng 7 và tháng 8. Ông Tô Quang Dũng, Giám đốc Công ty Trang trại Trường Phúc, chia sẻ: “Khôi phục được thị trường xuất khẩu giúp chúng tôi yên tâm hơn.
Dù chưa khôi phục được thị trường tiêu thụ đạt mức trước dịch bệnh, nhưng mỗi ngày chuỗi liên kết của Công ty đã tiêu thụ hơn 1 tấn rau các loại. Qua đợt dịch bệnh này, chúng tôi tiếp tục củng cố, đẩy mạnh sản xuất theo đơn đặt hàng từ các nhà phân phối để giảm thiểu rủi ro từ thị trường”. Với 3 ha rau và hơn 14 ha liên kết với các hộ dân sản xuất 30 loại rau xanh, củ, quả thực phẩm khác như cà rốt baby, súp lơ xanh baby, các loại rau xanh ăn lá, củ quả... Ngoài xuất khẩu, trang trại này còn đang phân phối cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trải dài từ Nam ra Bắc.
Về phía các doanh nghiệp trồng hoa, từ giữa tháng 5, một số đã nối lại xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật, Úc... Để đa dạng hóa phương tiện vận chuyển, thay vì chỉ xuất khẩu theo đường hàng không, doanh nghiệp có 80% sản lượng hoa cắt cành xuất khẩu là Dalat Hasfarm mở rộng thêm một số đường tàu biển để tăng khả năng tiếp cận thị trường.
Tính từ đầu năm đến nay, do dịch bệnh, Dalat Hasfarm phải hủy 40 triệu cành hoa, thị trường lớn như Úc hiện chỉ xuất được 3 container/tuần so với 25 container/tuần như trước đây. Giải pháp hiện nay của Dalat Hasfarm là bỏ trống 30 ha và chuyển 10 ha sang trồng rau. Theo ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dalat Hasfarm, phải mất 6-12 tháng để phục hồi thị trường xuất khẩu hoa và 3-6 tháng để người trồng hoa trong tỉnh khôi phục sản xuất hoàn toàn.
Liên quan tới câu chuyện xuất khẩu rau quả, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá hiện có nhiều tín hiệu khả quan trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Điển hình như việc chuối của Việt Nam đã chính thức vào hệ thống siêu thị Lotte của Hàn Quốc; trái vải của Hải Dương và Bắc Giang đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật, Trung Quốc, Mỹ; thị trường Ấn Độ rất ưa chuộng thanh long, vải, chôm chôm của Việt Nam; nhãn Sơn La đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu ra thế giới...
Đặc biệt, một thị trường lớn khác là Nhật, dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch, nền kinh tế này vẫn đẩy mạnh nhập khẩu nhiều chủng loại trái cây, rau củ từ Việt Nam như chuối, thanh long, vải, khoai lang... Đây là cơ hội lớn cho chuối Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường này, sau thành công của vải thiều.
Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, trong khi xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm sâu (xuất khẩu rau quả sang thị trường này 6 tháng đầu năm đạt 906,1 triệu USD, giảm 29,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019), thì xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan... lại tăng mạnh. Theo đó, xuất khẩu sang Thái Lan đạt 68 triệu USD (tăng 233,4%); Hàn Quốc đạt 67,4 triệu USD (tăng 21,8%); Mỹ đạt 62 triệu USD (tăng 6,1%); Nhật đạt 57,7 triệu USD (tăng 15,5%); Hà Lan đạt 34 triệu USD (tăng 9%)…
CHUẨN BỊ CHO THỊ TRƯỜNG LỚN EU
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1.8 tới được đánh giá sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành hàng rau quả mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, việc EU cam kết mở cửa mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA, cụ thể là xóa bỏ 94% trong số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, nhiều sản phẩm của Việt Nam sẽ có lợi thế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng EVFTA mở ra cơ hội vô cùng lớn tại thị trường EU, vốn là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới. Cụ thể, Việt Nam có thể xuất khẩu bất cứ loại rau quả nào qua EU, miễn là mặt hàng đó được sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, EU lại là thị trường rất khó tính với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm... rất khắt khe. Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị trả hàng, gây thiệt hại không chỉ riêng doanh nghiệp đó mà cả ngành rau quả Việt Nam.
Vì thế, việc sản xuất an toàn theo hướng GAP là yêu cầu bắt buộc. Một vấn đề nữa là khi sản xuất sạch theo các quy chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, tỉ lệ rau quả không đạt yêu cầu về mẫu mã, hình thức để xuất tươi sẽ tăng lên. “Việc chế biến sâu sẽ giúp tận dụng được các sản phẩm này vào làm nguyên liệu cho chế biến, từ đó khai thác tối đa giá trị của các sản phẩm thu hoạch được, giúp nông dân tăng thêm thu nhập do sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết", ông Phúc Nguyên phân tích.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, quy mô thị trường rộng lớn và nhu cầu theo mùa của EU chính là thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp rau quả ở các nước đang phát triển. Những loại trái cây nhiệt đới và mới lạ sẽ thu hút người tiêu dùng EU. Đây là một thế mạnh cho các nhà xuất khẩu từ các quốc gia có khí hậu nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, khách hàng EU thường tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy để có thể cung cấp trái cây và rau quả cho người tiêu dùng bất kỳ lúc nào trong năm.