Mặc dù giá vé xem phim có tăng nhẹ từ 15-17% so với trước dịch nhưng giá vé tại Việt Nam vẫn thấp hơn các nước trong khu vực (20-30%). Ảnh: Quý Hòa

 
Phan Lê Thứ Bảy | 04/03/2023 08:00

Rạp phim Việt trong bão suy thoái

Vừa có những dấu hiệu phục hồi khả quan sau COVID-19, rạp phim Việt lại phải đối mặt với cơn bão suy thoái kinh tế ập đến.

Thống kê phòng vé toàn cầu từ Gower Street Analytics cho thấy, trong năm 2022, doanh thu cán mốc 25,9 tỉ USD, tăng 27% so với năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn 35% so với mức trung bình của giai đoạn 2017-2019, 3 năm trước khi COVID-19 bùng phát. Theo Comscore Movies, năm 2022 thị trường Bắc Mỹ ước đạt 7,5 tỉ USD, thấp hơn 35% so với mức trung bình của giai đoạn 2017-2019. Trung Quốc, thị trường cạnh tranh khốc liệt nhất với Bắc Mỹ, do ảnh hưởng bởi chính sách Zero Covid, doanh thu phòng vé nội địa năm 2022 giảm gần 50% so với trước dịch, cán mốc 4,33 tỉ USD, thấp nhất tại nước này trong 11 năm qua.

 

Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phục hồi đứng thứ 2 chỉ sau Indonesia với tốc độ phục hồi khoảng 70-75% so với trước dịch, theo chia sẻ từ đại diện các nhà rạp lớn như CGV, Galaxy, Lotte. Mặc dù giá vé xem phim có tăng nhẹ từ 15-17% so với trước dịch nhưng giá vé tại Việt Nam vẫn thấp hơn các nước trong khu vực (20-30%). Điều này chứng tỏ thị trường Việt Nam có tốc độ phục hồi tốt hơn. Tiềm năng của thị trường rạp phim vẫn vô cùng lớn.

Chính vì tiềm năng của rạp phim Việt vẫn chưa khai thác hết nên vào tháng 12/2022, Galaxy Cinema đã mở thêm 2 cụm rạp mới nâng tổng số cụm rạp lên 20. Trong năm 2023, đơn vị này dự tính mở thêm 1, 2 cụm rạp mới bên cạnh việc ổn định các cụm rạp đã có. CGV cũng dự định mở thêm từ 1, 2 cụm rạp mới trong tổng số 84 cụm rạp đang có. Tuy nhiên, ưu tiên của các nhà rạp hiện tại trong bối cảnh suy thoái là nâng cao trải nghiệm khách hàng đến rạp và tạo thêm nhiều chương trình khuyến mại để hút khán giả.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, đại diện cụm rạp CGV, cho biết, theo thống kê từ đơn vị này, số lượng khán giả đến rạp hằng năm hiện chỉ mới ở mức 5/100 triệu người, tương đương 0,5 vé xem phim/năm. Do đó, theo ông Hải, suy thoái kinh tế không tác động nhiều đến tốc độ phục hồi của rạp phim Việt vì đây đều là đối tượng có thu nhập ổn định, không bị tác động quá nhiều.

Tốc độ phục hồi của rạp chiếu còn phụ thuộc vào số lượng và chất lượng phim. Ảnh: Quý Hòa
Tốc độ phục hồi của rạp chiếu còn phụ thuộc vào số lượng và chất lượng phim. Ảnh: Quý Hòa

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Giám đốc Điều hành khối Rạp của Galaxy Studio, nhận định, giá vé xem phim hiện tại không quá cao so với các loại hình giải trí khác, nên việc xem phim đang dần trở thành lựa chọn quen thuộc của nhiều đối tượng khán giả.
Tuy nhiên, cả bà Hoa và ông Hải đều nhấn mạnh, phim ảnh là ngành đặc thù. Tốc độ phục hồi của rạp chiếu còn phụ thuộc vào số lượng và chất lượng phim. “Thắng lợi của Nhà Bà Nữ mùa phim Tết khơi lên cho các nhà rạp chúng tôi nhiều hy vọng nhưng phải đến tháng 4 mới có thể ước tính chính xác được tốc độ phục hồi trong năm 2023 là 90% hay 100% và thời điểm phục hồi là khi nào”, bà Hoa nói.

Bà Hoa nhận định, sau dịch thói quen của khán giả thay đổi rõ rệt. Giờ đây, khán giả có sự phân định rõ nét giữa việc thích và không thích một bộ phim. Họ chỉ đến rạp khi bộ phim thực sự tạo hiệu ứng truyền miệng tốt chứ không vì đến để ủng hộ phim Việt hay bị thu hút bởi chiêu trò.

 

Có thể thấy, trong năm 2022, số lượng phim bom tấn Hollywood ra mắt tại kinh đô điện ảnh và cả thị trường Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước dịch, mỗi mùa hè hoặc Giáng sinh, có ít nhất 10 phim bom tấn đổ bộ rạp chiếu Việt, chưa kể các phim siêu anh hùng phát hành rải rác thì trong năm 2022, con số này chưa đến 5 phim.

Bên cạnh đó, số lượng phim Việt ra rạp trong năm 2022 cũng giảm hơn 60% và thay vì phân bố rải rác, giờ đây phim Việt chỉ tập trung vào các dịp lễ, Tết.

Sự yếu thế và lép vế của loạt phim Việt được kỳ vọng như Thanh Sói (Ngô Thanh Vân), Bóng Đè (Lê Văn Kiệt), Chìa Khóa Trăm Tỷ (Lê Thanh Hòa)... khiến phim Việt có một năm ảm đạm. Để lấp đầy rạp chiếu, các nhà rạp có sự dịch chuyển nội dung. Trung bình, mỗi nhà rạp có từ 4-5 phim quốc tế mới mỗi tuần, trong đó 2 phim từ 6 studio lớn của Hollywood, 2-3 phim còn lại từ các nước châu Á khác đến từ Thái, Hàn.

Trong năm 2022, có tổng cộng 11 phim Thái Lan và 30 phim Hàn được phát hành tại các rạp Việt. Nhiều phim trong đó trở thành phim ăn khách, dẫn đầu doanh thu phòng vé Việt nhiều tuần liền như Bỗng Dưng Trúng Số (Hàn Quốc), Ngược Dòng Thời Gian Để Yêu Anh (Thái Lan)... Chính nhờ sự đa dạng này mà phòng vé Việt có tốc độ phục hồi nhanh hơn các quốc gia khác trong khu vực.

Ông Nguyễn Hoàng Hải bày tỏ lạc quan về tốc độ phục hồi của rạp chiếu Việt, bởi theo ông, trong năm 2023, nhiều bom tấn Hollywood sau thời gian hoãn chiếu hoặc dời lịch quay bắt đầu chạy đua ra rạp, hứa hẹn một năm nhiều khởi sắc của phòng vé. Ước tính có khoảng 23 bom tấn Hollywood như John Wick, Vệ Binh Dải Ngân Hà, Người Nhện, Transformers, Indiana Jones... sẽ đổ bộ rạp phim Việt. Phim Việt cũng có nhiều cái tên đáng mong chờ như Móng Vuốt (Lê Thanh Sơn), Đất Rừng Phương Nam (Nguyễn Quang Dũng), Công Tử Bạc Liêu (Lý Minh Thắng), Chuyện Xóm Tui: Con Nhót Mót Chồng (Vũ Ngọc Đãng, với sự trở lại của Thái Hòa).