Ráo riết thúc dự án cảng quốc tế Lạch Huyện
Đặc biệt, trên cơ sở các điều khoản của hợp đồng liên doanh và phương án huy động vốn đầu tư của Tân Cảng, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi và cấp vốn cho tổng công ty này để tham gia dự án như chỉ đạo tại văn bản số 106/VPCP-KTN ngày 4/1/2013 của Văn phòng Chính phủ.
Đáng chú ý, Tân Cảng chỉ là “người đóng thế” trong dự án quan trọng này
Hồi đầu năm nay, xét đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải và ý kiến của các bộ Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định giao nhiệm vụ cho Tân Cảng tham gia liên doanh đầu tư hợp phần B của dự án theo hình thức đối tác công tư - PPP với đối tác Nhật Bản.
Trước đó, vì phải “tập trung vào nhiệm vụ tái cơ cấu”, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã đề xuất và được Chính phủ chấp thuận cho rút lui, đồng thời Tân Cảng được giới thiệu thay thế.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi và cấp vốn cho Tân Cảng để tham gia dự án, nếu có những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng quyết định.
Tuần trước, trong cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai hợp phần B, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu chậm nhất đến cuối tháng 7/2013, Tân Cảng và đối tác Nhật Bản là công ty Molnykit phải ký được hợp đồng liên doanh để triển khai. Sau thời hạn trên, nếu Molnykit và Tân Cảng không hoàn thành việc đàm phán, ký kết hợp đồng liên doanh, thì phải báo cáo để bộ này trình Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo xử lý.
Hợp phần A của dự án cảng quốc tế Lạch Huyện có giá trị lên tới 18.627 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản đã được khởi công vào cuối tháng 4/2013.
Tân Cảng và Molnykit hiện đang đàm phán để lập Công ty Liên doanh TNHH Cảng container quốc tế Hải Phòng (HPCT) với tỷ lệ vốn góp 51/49 để thực hiện hợp phần B. Tuy nhiên, có thông tin việc đàm phán thành lập doanh nghiệp liên doanh kéo dài quá lâu là do một trong những vướng mắc lớn nhất trong quá trình đàm phán thành lập liên doanh là việc xử lý đề xuất của các đối tác Nhật Bản về việc phía Việt Nam phải cam kết mua lại dự án trong trường hợp liên doanh bị thua lỗ.
Nguồn Vneconomy