Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong thực thi các cam kết EVFTA. Ảnh: Quý Hoà

 
Hải Vân Thứ Hai | 15/06/2020 08:00

Rào cản phi thuế tăng độ khó vào EU

EVFTA mang đến kỳ vọng giảm thuế quan nhưng rào cản phi thuế mới là vấn đề buộc các doanh nghiệp phải đối mặt.

Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Nam Yang ở Gia Lai của ông Nguyễn Tấn Công đang xúc tiến kế hoạch xuất khẩu hồ tiêu sang EU và Mỹ. Ông cho biết đã xây dựng được thương hiệu Hồ tiêu Lệ Chí cho bộ 3 sản phẩm tiêu đỏ, tiêu sọ và tiêu đen, đồng thời đạt chứng nhận USDA của Control Union, một nhà cung cấp dịch vụ chứng nhận toàn cầu có trụ sở tại Hà Lan, cho 16,5 ha tiêu hữu cơ.

Chi phí tuân thủ lớn

Thế nhưng, các rào cản phi thuế làm tăng độ khó xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam vào EU. Đặc biệt, dư lượng hóa chất Metalaxyl (chống mốc) cho phép trên sản phẩm hồ tiêu nhập khẩu vào EU là 0,1 ppm đã bị điều chỉnh giảm xuống mức 0,05 ppm, trở thành nguyên nhân chính khiến giá bán hồ tiêu của Việt Nam tại thị trường này sụt giảm mạnh tới 21,2%, chỉ còn 3.006,9 USD/tấn trong năm 2019, theo số liệu của Hải quan. Sự điều chỉnh này, theo ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty Phúc Sinh, là “không công bằng” nếu so với dư lượng hóa chất cho phép trên sản phẩm táo hay nho của EU.

 


“Rất nhiều chủ doanh nghiệp gặp khó khăn với sự điều chỉnh này của EU”, ông Thông nói. Một doanh nghiệp bị trả lại 40 container (25 tấn/container) hồ tiêu vào năm ngoái do dư lượng Metalaxyl vượt ngưỡng cho phép. Việc bán tiêu với giá 4.000 USD/tấn, thay vì 8.000 USD/tấn cho nhà mua EU, đã khiến công ty này đến nay vẫn lao đao.

Sự việc trên cho thấy việc thực thi các cam kết đang gặp nhiều thách thức. Nhiều doanh nghiệp, với mục tiêu xuất khẩu sang EU, nhưng lại mơ hồ về hệ thống các quy định kỹ thuật, khiến việc thực thi cam kết có thể bị chậm trễ.

Trong khi đó, ông Phan Minh Thông, một doanh nhân thành công đưa nông sản Việt Nam ra thế giới, cho biết: “Chi phí tuân thủ các quy định này rất lớn”. Ông tính riêng máy khử trùng nông nghiệp, một thiết bị giúp nhà xuất khẩu đáp ứng tiêu chuẩn về hàm lượng Metalaxyl của EU, đã lên tới 500.000 euro. Thiết bị này 10 năm trước có giá 1,5 triệu euro.

 


Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ngoài kỳ vọng cắt giảm các loại thuế quan, còn là cơ hội để hai bên cùng hạn chế áp dụng các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu. Nghị định 116 về nhập khẩu ô tô của Việt Nam trong quá khứ có thể là lý do EVFTA có thêm 1 phụ lục riêng quy định về các hàng rào phi thuế đối với lĩnh vực ô tô.

Chỉ tính trong thời gian 2 năm 6 tháng có hiệu lực, Nghị định này đã khiến không ít công ty của châu Âu chịu thiệt hại lớn về doanh thu, thậm chí phá sản nhiều dự định đầu tư vào lĩnh vực này. “Chúng ta phải loại bỏ được các rào cản phi thuế bởi nó không phải là biện pháp thay thế cho vấn đề thuế quan”, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ EU tại Việt Nam, chia sẻ với NCĐT.

Cần tháo gỡ ngay
Không bình luận về những tác động từ rào cản phi thuế lên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU, nhưng ông Giorgio Aliberti cho đây là “một thách thức đặt ra trong quá trình thực thi EVFTA, đòi hỏi phải nỗ lực tháo gỡ ngay, không để rào cản phi thuế quan trở thành vấn đề lớn, cản trở dòng xuất khẩu, nhập khẩu giữa hai bên”. Ông cũng nói: “Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan có thẩm quyền của cả EU và Việt Nam”.
Tham gia EVFTA, thương mại hàng hóa Việt Nam không tránh khỏi những thách thức trong thiết lập, vận hành và thực thi các cam kết trong tương lai, cả từ góc độ đảm bảo các nghĩa vụ theo cam kết được triển khai đồng bộ, đầy đủ lẫn từ góc độ đảm bảo tận dụng hiệu quả các quyền theo những cam kết này. 

 


Kinh nghiệm thực thi cam kết WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đây của Việt Nam cho thấy lợi ích suy đoán từ một hiệp định sẽ không đương nhiên trở thành hiện thực. Theo đó, quyền và nghĩa vụ theo các cam kết không tự nhiên phát huy tác dụng.

Nhà nghiên cứu Phạm Thị Dự của Đại học Thương mại cho rằng, cần những nỗ lực rất lớn của cả Nhà nước và doanh nghiệp cho quá trình thực thi các cam kết, xử lý thách thức liên quan và hiện thực hóa các lợi ích.
Nhiều khả năng các đàm phán về giảm các rào cản SPS (các biện pháp dịch tễ) và TBT (rào cản kỹ thuật) sẽ không diễn ra, nhưng theo bà Dự, để giảm chi phí tuân thủ các tiêu chuẩn về TBT, SPS cho doanh nghiệp khi xuất khẩu vào EU, phía Việt Nam cần chủ động ký kết với EU các thỏa thuận công nhận chung và thỏa thuận tương đương đối với từng mặt hàng cụ thể nhập khẩu vào EU.

Việc đạt được các thỏa thuận như vậy, đặc biệt trong lĩnh vực mà hàng xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội tiếp cận thực sự hoặc còn ở dạng tiềm năng vào thị trường EU, sẽ mang lại cho nhà sản xuất, xuất khẩu và kinh doanh Việt Nam những lợi thế so sánh lớn, được ưu tiên tiếp cận thị trường. Những lợi thế này có thể tương đương hoặc thậm chí lớn hơn những nhượng bộ thuế quan trọng trong FTA.

Một điểm quan trọng nữa, theo bà Dự, Nhà nước cần giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức trong việc đối phó với rào cản phi thuế quan, hoặc đàm phán lại với đối tác nhập khẩu để họ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua rào rản. Chẳng hạn, khi thị trường EU đưa ra những tiêu chuẩn mới về hóa chất sử dụng trong hồ tiêu nhập khẩu từ Việt Nam, phía Việt Nam nên kêu gọi phía EU cùng hợp tác để giúp doanh nghiệp nắm bắt những điểm mới này