The Inertia
Rác thải nhựa đang đe dọa ngành dầu mỏ?
Tuần trước, Kenya đã cấm tất cả mọi hoạt động liên quan đến những chiếc túi nylon: sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và sử dụng, với hình phạt có thể lên đến 4 năm tù hoặc phạt tiền 38.000 USD.
Lệnh cấm này là lời cảnh báo cho ngành công nghiệp dầu mỏ, vốn đang phụ thuộc vào các hóa phẩm của dầu để đối phó giữa lúc người tiêu dùng ngày càng có xu hướng chuyển sang dùng xe hơi điện. Tập đoàn dầu khí quốc gia của Arab Saudi là Saudi Aramco đang đặt cược tương lai của mình vào ngành hóa dầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thì cho rằng các sản phẩm hóa dầu sẽ chiếm đến 44% tổng cầu dầu gia tăng trong giai đoạn 2015-2020.
Hóa dầu cũng được xem là nguồn tăng mạnh nhất của nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trong giai đoạn 2015-2040.
Ngành hóa dầu (petrochemicals) là ngành có tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu nhiều nhất, với mức tăng 4,9 triệu thùng/ngày. Ảnh: Bloomberg |
Tuy nhiên, những gì diễn ra tại Kenya cho thấy rằng có thể sắp đến ngày tàn của những chiếc túi nylon chỉ dùng 1 lần. Do những chiếc túi này chiếm khoảng 1/4 tổng lượng nhựa được sử dụng, điều này sẽ có tác động sâu sắc đến ngành công nghiệp hóa dầu.
Tình trạng ô nhiễm nhựa đang trở nên trầm trọng hơn. Bãi rác Khổng lồ giữa Thái Bình Dương (The Great Pacific Garbage Patch) chuyên tích tụ các rác thải biển, đa số là nhựa, được ước lượng là to gần bằng bang Texas của Mỹ.
Vị trí của 2 bãi rác trôi nổi lớn nhất Thái Bình Dương. Ảnh: Bloomberg |
Bản chất của nhựa là không thể bị phân hủy một cách tự nhiên, nó chỉ chia tách thành những miếng nhỏ hơn. Bạn còn nhớ tất cả những khoản vay thế chấp dưới chuẩn cách đây một thập kỷ? Chúng đã bị chia nhỏ ra và trộn lẫn với nợ "tốt" và được bán dưới dạng chứng khoán đạt cấp độ đầu tư, và gần như một tay chúng đẩy hệ thống tài chính đến bờ vực sụp đổ. Hãy nghĩ đến nhựa như một chất hóa học tương đương với những khoản vay đó: cho dù nó có chia nhỏ đến đâu đi nữa, nó vẫn là nhựa.
Theo báo cáo năm 2016 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Quỹ Ellen MacArthur, các đại dương của chúng ta có thể chứa nhiều nhựa hơn cá, tính theo khới lượng. Rác thải nhựa là chủ đề được nói đến ngày càng nhiều trong các chương trình nghị sự của nhiều nước trên thế giới. Lệnh cấm của Kenya là một trong nhiều sáng kiến đã được đưa ra để hạn chế rác thải nhựa.
Tháng trước, Ấn Độ tái khẳng định lệnh cấm sử dụng các túi nylon không phân hủy được ở Delhi. Tại Anh, việc áp dụng mức phí 5 xu đối với loại túi dùng 1 lần kể từ tháng 10/2016 dẫn đến việc giảm sử dụng loại túi này tới 85 %. Tuy nhiên, theo Green Alliance thì túi nylon chỉ là một phần nhỏ của vấn đề, vì loại sản phẩm này chỉ chiếm 1% chất thải nhựa vào lòng đại dương.
Các chai nhựa chiếm đến 1/3 lượng rác thải nhựa trên biển. Việc tái chế chúng sẽ có một tác động rất lớn, cả về vấn đề rác thải và nhu cầu nguyên liệu hóa dầu.
Tuần trước, Thủ hiến Scotland là bà Nicola Sturgeon đã cam kết đưa ra một kế hoạch thu phí và hoàn trả (deposit and return) cho tất cả các chai nhựa trong nước. Một cơ chế tương tự đã được áp dụng ở Đức vào năm 2003, làm tăng cường tỷ lệ tái chế chai nhựa lên tới 98,5%. Một số nước châu Âu đã làm như vậy và sẽ còn nhiều nước nữa bắt chước theo.
Tất cả những điều này làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu của các nhà máy hóa dầu: vừa giảm nhu cầu về các sản phẩm cuối, vừa thúc đẩy nguồn cung nguyên liệu tái chế cho quá trình sản xuất.
Giống như việc tăng cường sử dụng ôtô điện, việc xiết chặt lại các sản phẩm nhựa sẽ ảnh hưởng đến ngành dầu. Đây là một thách thức không nhỏ cho Saudi Aramco và những công ty khai thác dầu.
Bá Ước
Nguồn Bloomberg