Thứ Bảy | 22/12/2012 07:38

Rà soát lại chất lượng doanh nghiêp FDI

Các địa phương đang tích cực triển khai Chỉ thị 1617/CT-TTg để nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Một động thái rất tích cực của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thành phố Hà Nội, đó là cơ quan này vừa cho đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như trên trang thông tin điện tử của mình, danh sách các FDI vi phạm pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, thuế và các quy định pháp luật có liên quan.

Đáng chú ý trong số này, có 12 doanh nghiệp thuộc diện “3 không” mà ông Nguyễn Văn Tứ, nguyên Phó giám đốc Sở KH&ĐT thành phố Hà Nội đã rất nhiều lần nhắc tới: không trụ sở, không biết mặt chủ đầu tư và không biết dự án đó hoạt động như thế nào.

Ngoài 12 doanh nghiệp FDI bỏ trốn và mất tích này, Sở KH&ĐT Hà Nội cũng đã “điểm mặt” 19 doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động trong năm 2012; 22 doanh nghiệp không có tại trụ sở, không báo cáo qua công tác kiểm tra năm 2012 và 18 doanh nghiệp đã bị thu hồi, chấm dứt hoạt động đầu tư. Đa phần các dự án này đều có quy mô nhỏ, trong đó 18 dự án bị thu hồi chứng nhận đầu tư chỉ có tổng vốn đăng ký trên 4 triệu USD, dự án lớn nhất cũng chỉ có vốn đầu tư 1 triệu USD.

Cùng với việc công bố danh sách dự án FDI “đen”, Sở KH&ĐT thành phố Hà Nội cũng đã yêu cầu các nhà đầu tư trong vòng 30 ngày, nếu không đến, hoặc nội dung giải trình không phù hợp, sẽ báo cáo UBND thành phố xem xét quyết định việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Đối với các doanh nghiệp đã bị chấm dứt hoạt động đầu tư, trong vòng 6 tháng mà Sở KH&ĐT không nhận được được hồ sơ giải thể, thì coi như đã được giải thể và cơ quan đăng ký kinh doanh/đăng ký đầu tư sẽ xoá tên doanh nghiệp.

Thực tế, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1617/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý FDI trong thời gian tới vào cuối năm ngoái, các địa phương đã rất nỗ lực “dọn dẹp” các dự án FDI xấu, vừa làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư, vừa tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực sự có nhu cầu và có năng lực. Không chỉ ở Hà Nội, mà Hải Phòng, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu..., ngay từ đầu năm nay đều có những động thái tương tự.

Thông tin vừa được bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai công bố, năm 2012, Đồng Nai đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 32 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 172,09 triệu USD. Lý do là vì, các dự án này không triển khai thực hiện, hoặc có triển khai dự án nhưng không hiệu quả. Thậm chí, còn là vì, do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính nên phải bán cho đơn vị khác…

Đặc biệt, riêng trong tháng 11, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cũng đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư 17 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 80 triệu USD.

Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng đã xử lý 5 doanh nghiệp vắng chủ; trong đó, có 3 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp là Kinh May Craff, Bradon Miler, Fine Cubicle và 2 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp là Cửu Dương và Mir Vina.

Tương tự, tại TPHCM, Sở KH&ĐT TPHCM cũng đang rà soát lại tất cả các dự án có doanh nghiệp bỏ trốn, vắng chủ để tiến hành thu hồi dự án. Những cái tên như Silver Star Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc); Dệt len xuất khẩu Magnicon Việt Nam (Đài Loan), … có thể coi là những ví dụ điển hình. Khi bỏ trốn, các doanh nghiệp này đã để lại số nợ thuế rất lớn và để xử lý, không phải là câu chuyện đơn giản.

Tất nhiên, vẫn còn một khoảng cách giữa thực tế và những đòi hỏi được đặt ra trong Chỉ thị 1617/CT-TTg. Tuy nhiên, sự nỗ lực của các Sở KH&ĐT, cũng như các cơ quan thuế địa phương là rất đáng ghi nhận trong quá trình “làm sạch” các dự án FDI, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, qua đó góp phần thu hút tốt hơn dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Trong một động thái khác, đầu tháng 12 này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg về việc loại bỏ những rào cản và hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư. Không chỉ đề cập riêng về FDI, mà cả đầu tư công trong chỉ thị này, song chỉ riêng về FDI, Thủ tướng đã lại một lần nữa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 1617/CT-TTg.

Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ KH&ĐT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát để loại bỏ rào cản đối với FDI trong một số ngành dịch vụ mà Việt Nam đang có nhu cầu lớn; xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế để hạn chế các dự án không khuyến khích đầu tư.

Bộ KH&ĐT cũng phải chịu trách nhiệm nghiên cứu xây dựng chế độ ưu đãi đầu tư đủ sức hấp dẫn, có tính cạnh tranh nhằm thu hút các dự án đóng góp lớn đối với kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia ở trình độ cao hơn, tạo điều kiện cho việc hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành”, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện