Quyết định 51: DN cổ phần hóa 3 tháng phải giao dịch trên UpCOM, được bán dưới giá trị sổ sách
Theo đó, quyết định 51 yêu cầu các DN trong thời hạn 90 ngày (3 tháng) kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, DN cổ phần hóa phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, lưu ký tại VSD và đăng ký giao dịch trên UpCom.
Trường hợp DN đáp ứng các điều kiện niêm yết, sau khi thực hiện các thủ tục trên thì trong thời hạn 1 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký DNphải niêm yết tại các Sở GDCK.
Quyết định này có hiệu lực hồi tố với các DN đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần trước ngày 1/11/2014, theo đó đại diện chủ sở hữu nhà nước phải đôn đốc DN đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định trên trong thời hạn tối đa 1 năm kể ngày quyết định này có hiệu lực.
Như vậy là 1.000 công ty đại chúng bao gồm hàng loạt các ngân hàng như Techcombank, Đông Á, Seabank, VPBank...sẽ đồng loạt phải niêm yết trong 1 năm tới.
Phương án cổ phần hóa của các DNNN cũng phải bao gồm cả nội dung thời gian đưa cổ phiếu vào giao dịch, niêm yết trên TTCK.
Quy định thoái vốn dưới giá trị sổ sách
Về việc thoái vốn dưới mệnh giá dưới giá trị sổ sách, Quyết định 51 yêu cầu các DN hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất khi chuyển nhượng vốn và phải trích lập bổ sung cho đủ dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính.
Việc chuyển nhượng vốn theo hình thức thỏa thuận chỉ được thực hiện sau khi bán đấu giá cổ phần không thành công (không có hoặc chỉ có 1 NĐT tham gia đấu giá). Nếu thỏa thuận không thành công có thể đề nghị SCIC mua lại trong thời hạn 60 ngày (xem thêm quy định SCIC mua lại).
Giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá công khai được xác định trên kết quả của tổ chức thẩm định giá nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của khoản đầu tư trừ đi dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đã được trích lập dự phòng đầy đủ. Giá này sẽ do đại diện vốn Chủ sở hữu NN quyết định.
Quyết định 51 quy định rõ việc thoái vốn dưới mệnh giá đối với từng trường hợp cụ thể.
Đối với các cổ phiếu đã niêm yết trên sàn có giá dưới 10.000 đồng/cp, thì bán theo biên độ quy định trên sàn, nếu sau 3 tháng không bán hết thì giảm giá bán tối đa 10% so với bình quân giá giao dịch thành công của 15 ngày trước đó để bán thỏa thuận.
Đối với công ty chưa niêm yết được định giá thấp hơn mệnh giá thì tổ chức bán cổ phần công khai, nếu không thành công thì có thể bán thỏa thuận với giá không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất (trường hợp giá khởi điểm bán đấu giá lần đầu không thành công), nếu NĐT bỏ cọc hoàn toàn thì giá thỏa thuận không thấp hơn giá đấu thấp nhất). Thời gian hoàn tất việc bán thỏa thuận tối đa là 60 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp tiền mua cổ phần của cuộc đấu giá lần đầu.
Nếu thỏa thuận không thành công thì mức giả khởi điểm để bán lần 2 giảm tối đa không quá 10% so với giá khởi điểm lần đầu.
Đối với trường hợp DNNN sở hữu từ 5% vốn điều lệ tại các NHTM thì NHNN sẽ xem xét tiếp nhận hoặc chỉ định NHTM Nhà nước mua lại trước khi đề nghị SCIC mua.
Như vậy, với những quy định cụ thể của Quyết định 51, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ được đẩy nhanh hơn, các DNNN có thể bán với giá thị trường (thấp hơn giá trị sổ sách) hoặc có sự tham gia của SCIC và các NHTM trong việc mua cổ phần nếu DN đấu giá thất bại.
Nguồn NDH