Quyết định 51 buộc DNNN lên UpCom: Thị trường có khác?
Nghị định 108 quy định, doanh nghiệp chào bán cổ phiếu ra công chúng nếu không đưa vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán sẽ bị phạt từ 100 đến 150 triệu đồng (trừ trường hợp không đủ điều kiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán theo quy định).
Ngoài ra, doanh nghiệp phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng tiền lãi nếu nhà đầu tư yêu cầu.
Sau thông tư này, thị trường kỳ vọng sự lên sàn của hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước đã IPO vài năm như Sabeco, Habeco, Petrolimex hay hàng loạt các ngân hàng thương mại cổ phần.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Sơn, Vụ Trưởng Vụ phát triển thị trường - Ủy ban chứng khoán Nhà nước trong một hội thảo diễn ra sau đó không lâu cho biết, đối với các doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp đại chúng trước khi Nghị định 108 có hiệu lực sẽ không bị áp lực này bởi Nghị định 108 không có hiệu lực hồi tố.
Cho tới hiện tại, chưa đủ thời gian 1 năm để xem sau khi Nghị định 108 đi vào hoạt động, liệu có doanh nghiệp nào bị phạt hay phải trả lại tiền cho nhà đầu tư theo quy định này hay không.
Để thúc các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa lên sàn, mới đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 51 yêu cầu, trong thời hạn 90 ngày kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom.
Trường hợp doanh nghiệp áp dụng đầy đủ tiêu chuẩn niêm yết tại 2 Sở giao dịch chứng khoán tập trung là TPHCM (HSX) và Hà Nội (HNX) sẽ buộc phải niêm yết trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ sau khi chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.
Nghị định có hiệu lực từ 1/11/2014 nhưng áp dụng hồi tố với cả các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trước đó. Như vậy, hàng loạt các công ty đại chúng sẽ buộc phải đăng ký giao dịch trên Upcom trong khi việc niêm yết trên HNX và HSX thì không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được khi phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định.
Câu hỏi đặt ra là liệu việc đăng ký giao dịch trên Upcom có khiến doanh nghiệp buộc phải có trách nhiệm hơn với nhà đầu tư và ngược lại, việc hàng loạt các doanh nghiệp niêm yết sẽ giúp gì cho Upcom?
Ở vế thứ nhất, Upcom - Unlisted Public Company Market - là tên gọi của thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết. Để được giao dịch trên Upcom, doanh nghiệp chỉ cần là công ty đại chúng và lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).
Điểm thuận lợi đầu tiên với nhà đầu tư là việc doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên Upcom giúp việc giao dịch cổ phiến thuận tiện hơn rất nhiều do cơ chế đặt lệnh tương tự như 2 sàn Hà Nội và TPHCM.
Các doanh nghiệp đăng ký giao dịch tại Upcom chỉ phải công bố báo cáo tài chính theo năm thay vì theo quý như doanh nghiệp niêm yết tại HSX hay HNX. Tuy nhiên, ngay cả báo cáo theo năm thì nhiều doanh nghiệp giao dịch tại Upcom cũng không đáp ứng được yêu cầu này.
Nếu như các doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn không nộp báo cáo hoặc nộp chậm sẽ bị nhắc nhở, và việc vi phạm công bố thông tin nhiều lần có thể dẫn tới việc hủy niêm yết bắt buộc thì việc này không thể áp dụng với Upcom khiến doanh nghiệp trây lì.
Đồng thời, chính một lãnh đạo cấp cao của Ủy ban chứng khoán từng trả lời rằng, nếu ép các doanh nghiệp trên Upcom công bố thông tin "nặng" như các doanh nghiệp niêm yết thì có thể các doanh nghiệp sẽ không tham gia Upcom.
Ở vế ngược lại, việc hàng loạt doanh nghiệp có quy mô lớn và kinh doanh khả quan cũng sẽ giúp thanh khoản trên Upcom được cải thiện.
Ra đời từ ngày 24/6/2009, với 10 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, hiện có 154 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên Upcom với giá trị vốn hóa bình quân năm 2014 là gần 28.900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên của Upcom chỉ đạt hơn 17 tỷ đồng (năm 2014), giao dịch chỉ tập trung vào một vài mã nhất định như S96, PXM, NT2, NTB...
Trong khi đó, lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng của 2 cổ phiếu này lại rất thấp (Vingroup giữ hơn 94% cổ phần SDI và trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hơn 90% cổ phần NHN).
Nhiều quy định trước đây đã được đưa ra để thúc ép doanh nghiệp lên sàn như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 quy định: “Công ty đại chúng đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng phải cam kết đưa chứng khoán lên sàn trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán”. Tuy nhiên, các doanh nghiệp luôn có lý do không đủ điều kiện hoặc thị trường không thuận lợi để trì hoãn việc niêm yết.
Trong khi đó, để giao dịch trên Upcom, chỉ cần 2 điều kiện và 1 trong số đó là cổ phiếu phải được đăng ký lưu ký tập trung tại VSD. Tuy vậy, hiện vẫn có hàng ngàn doanh nghiệp, kể cả các ngân hàng đại chúng lớn, chưa thực hiện điều đã được quy định trong Luật chứng khoán khi trở thành công ty đại chúng.
Vì vậy, Nghị định 51 liệu có mang Sabeco, Habeco, Petrolimex hay mới đây là Vinatex và Sasco lên sàn hay không, vẫn phải chờ thực tế.
Nguồn Theo DVO