Quý Hòa
Quyết định 315 về bảo hiểm nông nghiệp… chỉ để rút kinh nghiệm?
Khó nhân rộng thí điểm
Chính phủ từ năm 2011 đã chỉ đạo triển khai thí điểm Bảo hiểm Nông nghiệp theo Quyết định 315/2011/QĐ-TTg. Chương trình đã vận động được 304.017 hộ nông dân mua bảo hiểm cho nuôi trồng thủy sản, cây lúa và vật nuôi.
Thế nhưng, “rất khó” việc nhân rộng mô hình thí điểm này ra toàn quốc, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm thủy hải sản, bảo hiểm vật nuôi, bà Hoàng Thị Tính, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC), cho biết.
Quyết định 315 qua 3 năm triển khai, doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp chỉ đạt 394 tỷ đồng, trong khi số tiền giải quyết bồi thường cho người mua bảo hiểm lên tới 712,9 tỷ đồng.
Rủi ro cho các doanh nghiệp bảo hiểm rất lớn, dù bảo hiểm nông nghiệp là lĩnh vực tiềm năng, Tổng giám đốc ABIC nhận xét sau 10 năm gắn bó với nông nghiệp và người nông dân.
Mức độ tổn thất hằng năm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp rất cao, ước tính 1,5-2% GDP. Theo bà Tính, để đảm bảo không bị lỗ trong quá trình kinh doanh, đòi hỏi công ty bảo hiểm phải có vốn lớn và phải có nhiều người tham gia bảo hiểm. Muốn vậy, các yếu tố về pháp lý, dữ liệu và công nghệ xác định thiệt hại, quy mô thị trường cũng như hỗ trợ kỹ thuật từ phía nhà nước phải được bảo đảm.
Thế nhưng, hiện nay các công ty bảo hiểm không có cơ sở quy định phí rủi ro phù hợp do thiếu/không có cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia về quy mô, mức độ tổn thất. Trong khi đó, mô hình sản xuất nông nghiệp trong khu vực nông thôn phổ biến là qui mô nhỏ, manh mún, cách thức nuôi trồng không bài bản và không theo quy trình chuẩn, thiếu các giải pháp phòng vệ và quản lý rủi ro khi có thiên tai dịch bệnh xảy ra.
Về phía các công ty bảo hiểm, yếu kém được bà Tính thừa nhận là các sản phẩm bảo hiểm chưa phù hợp với nhu cầu của nông dân, chưa có nhiều kinh nghiệm về bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là khâu đánh giá rủi ro, định phí bảo hiểm và giám định tổn thất.
Việt Nam là nước có sức sản xuất nông nghiệp không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trên 93 triệu dân trong nước, mà còn xuất khẩu sản phẩm nông sản tới 180 nước với giá trị xuất khẩu năm 2016 là 32,14 tỷ USD và năm 2017 ước đạt trên 36 tỷ USD. Tuy nhiên, nông nghiệp là lĩnh vực luôn có độ rủi ro thiên tai, dịch bệnh cao.
Mức độ hài lòng thấp
Kết quả khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), cho thấy, nông dân sử dụng tiền bồi thường để phục hồi sản xuất, 87,9% tại Đồng Tháp và 90,0% tại Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, thời gian thẩm định bồi thường kéo dài, chỉ dưới 10% hộ nông dân nhận được bồi thường sau một tuần, trong khi gần 20% số hộ phải chờ đến 2 tháng, số hộ phải chờ đến 3 tháng chiếm tới 16,67% hộ ở Đồng Tháp và 6,06 hộ ở Vĩnh Phúc.
Mức độ hài lòng của người dân đối với bảo hiểm thấp, nhất là bảo hiểm lúa gạo. 83% hộ đánh giá bảo hiểm nông nghiệp ở mức trung bình, thậm chí tiêu cực, do nông dân bị thiệt hại nghiêm trọng nhưng không nhận được bồi thường hoặc bồi thường do sản lượng trung bình của khu vực không đạt mức được bồi thường, dẫn tới động lực tham gia bảo hiểm sản sút.
Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 315/QĐ-TTg, được triển khai từ năm 2011, trên 9 đối tượng: Lúa, trâu, bò, lợn, gà, vịt, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá Tra, bộc lộ không ít những khó khăn, hạn chế, mà nguyên nhân căn bản đến từ sự tham gia chưa đầy đủ của các Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng UBND 20 tỉnh trong Chương trình.
Diễn đàn "Bảo hiểm nông nghiệp: Nhận diện thách thức, thúc đẩy tăng trưởng" do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 21/12, mới chỉ nhận diện được những thách thức, các giải pháp đưa ra chưa đủ mạnh để “thúc đẩy tăng trưởng" hay làm "đòn bẩy" giúp nền nông nghiệp Việt Nam tiến sâu hơn vào quá trình sản xuất hàng hóa.
Trong khi đó, một khung chính sách mới, dự thảo Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp, đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ từ hồi tháng 10. Dự thảo bao gồm: chính sách thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
Ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, cho biết, dự thảo nêu rõ bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn.
Thêm nữa, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ. Đồng thời, dự thảo Nghị định xây dựng các quy định cụ thể về kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng chống gian lận bảo hiểm nhằm đảm bảo hai chính sách nêu trên được triển khai thực hiện lành mạnh, bền vững và hiệu quả.
Vị Phó Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã nói: “Giá mà Diễn đàn được tổ chức cách đây 2,3 tháng". Ông cho rằng: “Nếu được nghe ý kiến các chuyên gia, bộ ngành và các hiệp hội sẽ bổ ích cho Ban soạn thảo nghị định mới”.
Với Quyết định 315, ông Trung cho thẳng “thí điểm chỉ để rút kinh nghiệm, nhằm khắc phục những tồn tại”, song dù thừa nhận đã “không có hướng dẫn cụ thể mang tính đặc thù” cho thực hiện Quyết định này.