Quỹ VF2 bị giải thể
Ngày 24/1/2013, Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Nam (VF2) thuộc Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) sẽ tổ chức đại hội thành viên bất thường để thảo luận về các vấn đề liên quan đến giải thể quỹ.
Trước đó, đã có nhiều thông tin không tốt về hoạt động của VF2 nhưng giờ đây việc giải thể mới được công bố chính thức trên website của công ty quản lý quỹ.
Tại đại hội thành viên bất thường, ban lãnh đạo quỹ sẽ báo cáo về tình hình tài chính, hoạt động của VF2 từ 1/1/2012 đến 9/10/2012 và giai đoạn sau ngày giải thể quỹ (9/10/2012 đến 31/12/2012). Quỹ cũng trình các thành viên thông qua cơ chế thanh lý các tài sản còn lại của VF2 sau ngày 31/12/2012.
VF2 là quỹ đầu tư dạng đóng thứ hai của VFM, được thành lập vào tháng 12/2006. Quỹ được huy động vốn từ 15 tổ chức lớn trong và ngoài nước với vốn điều lệ hiện gần 963 tỷ đồng. Chủ tịch Ban đại diện quỹ là ông Nguyễn Thế Năng - thành viên HĐQT Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (BMI).
Thanh lý tài sản
Kết thúc tháng 8/2012, giá trị tài sản ròng của VF2 còn 540 tỷ đồng, tương ứng 5.608 đồng/chứng chỉ quỹ, giảm 30% so với cuối năm 2009. VF2 nắm khá nhiều cổ phiếu nhưng thông tin cụ thể về danh mục đầu tư của quỹ này khá hiếm hoi. Theo tính toán, từ ngày giải thể (9/10/2012), quỹ đã chi 17 triệu đồng để trả phi lưu ký cho Trung tâm lưu ký (VSD). Để thanh lý tài sản, VF2 đã chi 45 triệu đồng cho môi giới bán chứng khoán và 8 triệu đồng tiền phí chuyển nhượng cổ phần. Tổng chi phí báo giá chứng khoán OTC dự kiến là 122 triệu đồng.
Với phí môi giới giao dịch chứng khoán hiện phổ biến ở 0,15-0,3% trên giá trị giao dịch, ước tính giá trị lượng chứng khoán VF2 đã thực hiện thanh lý khoảng 15 - 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chưa phải là những con số cuối cùng bởi VF2 sẽ tiếp tục thực hiện đến khi hoàn tất thanh lý tài sản. Được biết, cuối năm 2009, tổng giá trị cổ phiếu đã niêm yết và chưa niêm yết trong danh mục tài sản của VF2 là khoảng 570 tỷ đồng.
VF2 cho biết, kể từ sau thời điểm giải thể, đối với tài sản là tiền (gồm tiền khả dụng hiện hữu, tiền thu về từ việc thanh lý tài sản, tiền thu từ lãi gửi ngân hàng, cổ tức được nhận...) trước khi chuyển trả lại cho các thành viên góp quỹ có thể được nắm giữ dưới dạng tiền gửi tại các ngân hàng BIDV, Vietcombank, HSBC, Eximbank.
Ban đại diện quỹ VF2 sẽ tiếp tục duy trì tới thời điểm kết thúc đại hội thành viên bất thường hoặc kết thúc việc phê duyệt báo cáo tài chính đã kiểm toán của quỹ cho kỳ kế toán từ 1/1/2012 đến 9/10/2012.
Kỳ họp cuối cùng của ban đại diện quỹ dự kiến được tổ chức trùng với thời gian đại hội thành viên bất thường góp vốn quỹ VF2 (vào ngày 24/1/2013), sau đó dự kiến ban đại diện quỹ sẽ giải tán.
Hiện VFM đang quản lý 4 quỹ gồm Quỹ đầu tư Chứng khoán Việt Nam (VF1), Quỹ đầu tư Doanh nghiệp Hàng đầu Việt Nam (VF4), Quỹ đầu tư Năng Động Việt Nam (VFA) và VF2. Cả 3 quỹ là VF1, VF4 và VFA đều đã niêm yết trên HSX, ngoại trừ VF2.
Tuy nhiên, thanh khoản thấp, thị giá của các chứng chỉ quỹ này giảm mạnh khiến tỷ lệ chiết khấu có lúc lên tới 50%. Điều này khiến ban điều hành tính đến việc chuyển các quỹ đóng thành quỹ mở nhằm cải thiện tình hình hoặc giải thể. Trong đó, VFA đã được thông qua chuyển thành quỹ mở và dự kiến tháng 4/2013 bắt đầu giao dịch chứng chỉ quỹ mở đầu tiên, VF2 thì bị giải thể.
Tháng 3 tới, VF1 và VF4 sẽ họp cổ đông và phải chờ đến thời điểm đó để biết tương lai 2 quỹ này.
Nguồn Khampha