Thứ Năm | 26/09/2013 12:19

Quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam tăng vọt

Tính đến cuối tháng 6, thị trường trái phiếu Việt Nam đã tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 27 tỷ USD.
Các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ ở Đông Á mới nổi vẫn phát triển, song rủi ro về triển vọng của chúng đang tăng lên do Mỹ có khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ, châu Á tăng trưởng chậm lại và vốn đầu tư tiếp tục chảy ra ngoài, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay.

Theo báo cáo hàng quý "Theo dõi trái phiếu châu Á" của ADB, tính đến cuối tháng 6, dư nợ trên các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ tại khu vực Đông Á mới nổi (bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) là 6.800 tỷ USD.

Con số này tăng 1,7% so với thời điểm cuối tháng 3, nhưng thấp hơn mức 2,9% trong quý 1/2013, do các nhà đầu tư cẩn trọng hơn trước tuyên bố của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ về việc sớm bắt đầu cắt giảm lượng trái phiếu mua vào.

Việc phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ vẫn tiếp tục được thực hiện tại các nước Đông Á mới nổi, nhưng với tốc độ chậm, do một số người đi vay đã ngừng lại, bởi chi phí huy động vốn tăng lên trong khu vực.

Tổng giá trị trái phiếu mới được bán ra trong quý 2 là 827 tỷ USD, tăng 4% so với quý liền trước, chủ yếu là nhờ lượng phát hành trái phiếu của các chính phủ và cơ quan trung ương tăng 26,8%. Lượng phát hành trái phiếu công ty giảm 20,1% so với quý trước xuống còn 168 tỷ USD.

Riêng với Việt Nam, tính đến cuối tháng 6, thị trường trái phiếu đã tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 27 tỷ USD, chủ yếu trên cơ sở sự tăng trưởng mạnh của thị trường trái phiếu chính phủ. Thị trường này đã tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 26 tỷ USD. Trái lại, trái phiếu công ty đã giảm 55,5% xuống còn 800 triệu USD trong bối cảnh thị trường gặp khó khăn.

Những bất ổn trên các thị trường tài chính toàn cầu cũng đã khiến các công ty tại các nước Đông Á mới nổi khó khăn hơn và tốn kém hơn trong việc đi vay bằng các đồng ngoại tệ mạnh (USD, Euro hoặc đồng Yên), đặc biệt là những công ty có chỉ số tín nhiệm thấp. Trong khi 5 tháng đầu năm 2013, tổng giá trị phát hành đạt 81 tỷ USD thì trong tháng 6 và tháng 7 chỉ có 7,5 tỷ USD được huy động.

So với giai đoạn 1997-1998 khi châu Á hứng chịu tác động của khủng hoảng tài chính, hiện tại các khoản nợ của các chính phủ và công ty bằng đồng nội tệ nhiều hơn, so với các khoản nợ bằng đồng ngoại tệ và có thời hạn trả nợ dài hơn, điều này có nghĩa là họ ít gặp rủi ro hơn đối với những biến động phá giá và thay đổi đột ngột trong chi phí cho vay và xu hướng cho vay của nhà đầu tư.

Thu nhập kỳ vọng đối với trái phiếu châu Á đã giảm mạnh trong năm nay với việc chỉ số iBoxx Pan Asian Index đã giảm 3,5% tính theo đồng USD và theo điều kiện không tái bảo hiểm. Giảm sút lớn nhất là ở Indonesia (giảm 17,8%) và Singapore (giảm 7,8%). Chỉ có Philippines và Trung Quốc có mức tăng lần lượt là 7,5% và 3,1%.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện