Nguồn ảnh: Quý Hòa
Quy mô kinh tế Việt Nam tăng thêm 1,3 triệu tỷ đồng sau khi đánh giá lại
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm trong giai đoạn 2010-2017, tương ứng tăng 935 nghìn tỉ đồng/năm, trong đó năm 2011 có tỉ lệ tăng cao nhất với 27,3% và năm 2015 có tỉ lệ tăng thấp nhất là 23,8%.
Năm 2017, quy mô GDP sau khi đánh giá lại đạt gần 6,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 1,3 triệu tỷ so với số liệu đã công bố.
Về khu vực kinh tế, giá trị tăng thêm theo giá hiện hành của cả 3 khu vực đều tăng sau khi đánh giá lại, trong đó quy mô khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ tăng khá lớn.
Cụ thể, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sau khi đánh giá lại trong giai đoạn 2010-2017 tăng thêm từ 25 nghìn tỉ đồng đến 46 nghìn tỉ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 5,4%-6,2% so với số đã công bố. Năm 2017, giá trị tăng thêm đánh giá lại của khu vực này đạt 814 nghìn tỉ đồng (số đã công bố là 768 nghìn tỉ đồng).
Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng sau khi đánh giá lại trong giai đoạn 2010-2017 tăng thêm từ 211 nghìn tỉ đồng đến 555 nghìn tỉ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 27,6%-36,6% so với số đã công bố.
Năm 2017, giá trị tăng thêm đánh giá lại của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 2.227 nghìn tỉ đồng (số đã công bố là 1.672 nghìn tỉ đồng).
Cơ quan thống kê cũng chỉ ra 5 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thay đổi quy mô GDP. Có 4 nhóm nguyên nhân làm tăng quy mô GDP là: Bổ sung thông tin từ tổng điều tra; bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính; cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008; rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế là các yếu tố làm tăng quy mô GDP.
Cùng với đó, có 1 nhóm nguyên nhân làm giảm quy mô GDP là việc cập nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá của cả nước.
Nguồn Lao Động/ Zing