
Ảnh: T.L
Quý I khởi đầu nan
Thị trường đang bước vào giai đoạn sôi động khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý I chính thức khởi động. Đây không chỉ là thời điểm nhà đầu tư dò đoán sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, mà còn là cơ hội để đón sóng những cổ phiếu tiềm năng, nơi mà kỳ vọng tăng trưởng có thể sớm được phản ánh vào giá.
Đặc biệt, khi thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam đang trải qua cú sốc thuế quan với mức giảm kỷ lục, nhiều cổ phiếu đã rơi về vùng giá thấp nhất trong nhiều tháng qua. Phải chăng đây là lúc nhà đầu tư chọn lọc để sở hữu công ty tốt với mức giá hợp lý?
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán MBS, lợi nhuận toàn thị trường có thể ghi nhận mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ trong quý I/2025 trên mức nền đang cao dần, được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp và sản xuất tiêu dùng tiếp tục phục hồi.
Trong đó, lợi nhuận ngành ngân hàng được dự báo tăng trưởng 15% so với cùng kỳ nhờ tín dụng đã bắt đầu tăng tốc ngay từ đầu năm. Các ngành dự báo đạt mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật trong quý I gồm năng lượng, bất động sản, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp.
![]() |
Theo báo cáo của MBS, các ngân hàng VPBank, Sacombank, Vietinbank, HDBank, ACB và BIDV... được dự báo tăng trưởng lợi nhuận 2 con số trong quý I/2025. Điểm chung của những ngân hàng này là hưởng lợi từ việc đẩy mạnh các gói cho vay trong xu hướng đầu tư công và sản xuất kinh doanh phục hồi.
Đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản, chuyên gia của MBS cho rằng một số doanh nghiệp bất động sản phía Nam dự kiến bàn giao phần còn lại của một số dự án cao tầng như Khang Điền, Nam Long hay số ít sản phẩm bất động sản liền thổ của Đất Xanh giúp kết quả cải thiện từ mức nền thấp, thậm chí âm của năm 2024. Trong khi đó, Vinhomes lại được kỳ vọng tìm kiếm động lực tăng trưởng lợi nhuận đột biến trên nền cũ phần lớn nhờ bàn giao một số dự án khu vực phía Bắc như Royal Island, Ocean Park 2 & 3 hay Golden Avenue.
![]() |
Chia sẻ với NCĐT, ông Lê Tự Quốc Hưng, Trưởng phòng cao cấp, Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho hay: “Về nhóm ngành có kết quả kinh doanh nổi bật, cái tên chúng tôi nghĩ đến đầu tiên là ngân hàng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý đầu năm đang cao hơn so với cùng kỳ”.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 12/3/2025 tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng 1,24% so với cuối năm 2024, trong khi cùng kỳ năm 2024 giảm 0,74%. Điều này cho thấy nhu cầu vốn của nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ. Với tỉ trọng lớn trong tổng lợi nhuận thị trường, ngân hàng tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt đà tăng trưởng lợi nhuận chung.
Bên cạnh đó, nhóm cảng biển, điện được kỳ vọng sẽ duy trì mức tăng trưởng doanh thu theo sự tăng trưởng của tỉ trọng công nghiệp trong nền kinh tế. “Vì ngân hàng là kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế và sẽ hưởng lợi song hành với sự phát triển của những nước đang phát triển như Việt Nam. Những nhóm ngành liên quan đến định hướng phát triển công nghiệp làm động lực tăng trưởng chính như bất động sản công nghiệp, điện, dịch vụ logistics và các ngành phụ trợ công nghiệp cũng còn nhiều dư địa tăng trưởng trong dài hạn”, ông Hưng nhận định.
Trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia của SSI cũng cho rằng câu chuyện tăng trưởng nội địa của Việt Nam vẫn mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi các yếu tố cụ thể, bao gồm nâng hạng thị trường chứng khoán và kết quả từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và phát triển kinh tế tư nhân.
Ở góc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế cấp cao Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered, cho biết: “Trong khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn vững chắc, rủi ro thương mại và biến động tiền tệ có thể tác động đến các quyết định chính sách. Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm đảm bảo ổn định tài chính và ứng phó linh hoạt trước những biến động kinh tế có thể xảy ra”.