Theo nghiên cứu của World Bank, người lao động cần mức thu nhập hưu trí bằng 70-75% để tận hưởng tuổi hưu an nhàn. Ảnh: TL.

 
Ngọc Thủy Thứ Tư | 17/03/2021 13:30

Quỹ hưu trí “tuổi tập đi”

Quỹ hưu trí tư nhân đầu tiên đã có mặt tại Việt Nam. Liệu sự xuất hiện của quỹ này có mở ra làn sóng mới?

Quỹ hưu trí bao gồm Quỹ Thịnh An, Quỹ Phúc An, Quỹ Vĩnh Nguyên do Dragon Capital VietFund Management (DCVFM) triển khai đã chính thức ra mắt thị trường Việt Nam.

Tiềm năng lớn

Theo Dragon Capital, sở dĩ Công ty lập quỹ hưu trí vì mức chi trả lương hưu từ Quỹ Bảo hiểm Xã hội hiện chỉ tương đương 45% thu nhập bình quân trong 5 năm làm việc gần nhất trước thời điểm nghỉ hưu. Trong khi đó, theo nghiên cứu của World Bank, người lao động cần mức thu nhập hưu trí bằng 70-75% để tận hưởng tuổi hưu an nhàn.

Việt Nam cũng như thế giới đang đương đầu với những thách thức liên quan đến nguồn hỗ trợ hưu trí. Bởi Quỹ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hiện nay mất cân bằng thu chi khi đứng trước bài toán già hóa dân số và người lao động nghỉ hưu sớm (55 tuổi ở nam, 52 tuổi ở nữ). Trong khi tỉ lệ người Việt Nam lo âu cho tuổi già là rất cao. Số liệu từ SSIAM chỉ ra, 21% người lao động tin rằng mình đã chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn về hưu.

 

Các dự báo cho biết, hơn 20% dân số Việt Nam sẽ đến tuổi nghỉ hưu vào năm 2030 và có thể tăng lên mức 30% vào năm 2050. Đây là thách thức cho bảo hiểm xã hội Việt Nam nhưng lại mở ra cơ hội cho các quỹ hưu trí tự nguyện.

Từ lâu, khoảng 30 quốc gia có hệ thống hưu trí đúng nghĩa cũng đã đối mặt với những thách thức tương tự. Các nước đã tăng tuổi hưu và tìm cách cải tổ hệ thống hưu trí, chuyển từ hệ thống hưu trí dạng phân bổ (lấy thu bù chi nhưng đã không còn phù hợp và có nguy cơ thâm thủng do lạm phát, dân số già...) sang hệ thống hưu trí tích lũy (người lao động tự trích lương tháng cho quỹ đầu tư).

Để người trẻ hăng hái làm việc và tích lũy thu nhập cho tương lai, các nước phát triển còn thúc đẩy hệ thống hữu trí hỗn hợp (nhà nước chi trả một khoản tiền tối thiểu, phần còn lại do các quỹ mà người lao động tham gia tích lũy sẽ chi trả). Cách thức này nhận được nhiều sự ủng hộ. Tại Mỹ, người lao động thậm chí còn tự quyết định việc tham gia đóng bảo hiểm hưu trí. Chính phủ Mỹ chỉ tham gia điều tiết và quản lý khoảng 10% tổng số tiền dành để dưỡng già của toàn xã hội.

Rõ ràng, ngoài mức hưu trí cố định (Defined Benefit - DB), người dân các nước phát triển còn nhận hưu trí tự nguyện theo mức đóng góp (Defined Contribution - DC). Theo quan sát của ông Bùi Sỹ Tân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), ở đa số các nước khối OECD, phát triển đồng thời DB và DC ở mức 50-50. Rõ ràng, quỹ hưu trí tự nguyện hướng tới giải quyết các nhu cầu tích lũy và hưởng lương hưu cao hơn.

Ảnh: Quý Hòa.
Ảnh: Quý Hòa.

Một lý do khác như ông Dominic Scriven, Chủ tịch Điều hành, đồng sáng lập Dragon Capital VietFund Management, chia sẻ, các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam gần đây đạt những thành công nhất định trong bán sản phẩm bảo hiểm tiết kiệm nhưng việc đầu tư chủ yếu vào trái phiếu chính phủ. Đây là loại hình tài sản đầu tư khá hạn chế và thường đem lại mức lợi tức không cao, đặc biệt khi tính tới yếu tố lạm phát hằng năm. Trong khi đó, quỹ hưu trí tự nguyện có thể được đầu tư vào nhiều loại tài sản, từ cổ phiếu đến cả bất động sản.

Trên thực tế, theo bà Tô Thùy Linh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), một số người chỉ có nhu cầu tích lũy hưu trí - do quỹ hưu trí đảm trách. Ngoài ra, cấu trúc của quỹ hưu trí linh hoạt về thời hạn và rút tiền trước giai đoạn nghỉ hưu. Cả doanh nghiệp và người lao động cũng có thể hưởng lợi về thuế từ phần đóng góp vào quỹ. Sức hấp dẫn của quỹ hưu trí còn đến từ việc nhiều doanh nghiệp đã có cơ chế phúc lợi cho nhân viên, nhằm giữ chân người tài bằng nhiều hình thức bao gồm cả quỹ tài chính. Đây là cơ hội cho quỹ hưu trí tự nguyện.

Sức nóng rộ dần

Tại Việt Nam từ năm 2014 đã triển khai Luật Bảo hiểm xã hội, nhằm hướng tới mô hình hệ thống hưu trí đa trụ cột. Đến nay, Quỹ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, quỹ hưu trí duy nhất hiện tại, có khoảng 10 triệu người tham gia. Tuy nhiên, theo ghi nhận chung, việc hình thành và phát triển quỹ hưu trí bổ sung, quỹ hưu trí tự nguyện vẫn còn đang trong giai đoạn sơ khởi. Chỉ có 6/18 công ty bảo hiểm nhân thọ có đủ điều kiện triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện, gồm Prudential Việt Nam, Bảo Việt, Manulife, AIA, Dai-ichi, Sun Life. 

 

Dragon Capital trở thành công ty quản lý quỹ đầu tiên nhận giấy phép “Chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện”. Theo ông Dominic Scriven, việc lập thêm quỹ hưu trí sẽ giúp Công ty “mở rộng tầm nhìn từ tập trung hoàn toàn vào nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sang thực sự chú ý thị trường cơ sở”.

SSIAM cũng cho biết đã nhận giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh quỹ hưu trí tự nguyện hồi đầu năm ngoái. SSIAM cũng đã lên kế hoạch về việc lập quỹ hưu trí tự nguyện. Tuy nhiên, theo bà Tô Thùy Linh, Công ty đang cân nhắc thời điểm phù hợp. Hiện tại, nhiều người vẫn chưa nhận thấy sự hấp dẫn vượt trội của quỹ khi mức miễn thuế tương đối thấp (cá nhân được miễn thuế thu nhập cá nhân tối đa 1 triệu đồng/người/tháng, với doanh nghiệp là 3 triệu đồng/tháng).

Ngoài ra, theo SSIAM, với giao dịch trái phiếu chính phủ 50 tỉ đồng, đòi hỏi quy mô ban đầu của một quỹ hưu trí cũng phải khá lớn. Điều này đồng nghĩa các quỹ hưu trí cũng phải có lượng doanh nghiệp và cá nhân lớn tham gia vào quỹ ngay ở thời điểm triển khai. Do đó, bà Tô Thùy Linh cho biết, trong năm 2021, SSIAM sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống nội bộ và chuẩn bị thêm thủ tục pháp lý để có thể ra mắt sản phẩm quỹ một cách hoàn chỉnh nhất.

Rõ ràng, các công ty quản lý quỹ đã và đang tích cực tiến vào lãnh địa quỹ hưu trí. Dragon Capital VietFund Management hiện có lợi thế từ đội ngũ nhân sự gần 150 chuyên gia tài chính đến từ 10 quốc gia và đang quản lý tài sản trị giá khoảng 4,5 tỉ USD.

Kinh nghiệm đầu tư cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường và các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) của DCVFM đã niêm yết gián tiếp trên sàn chứng khoán Hàn Quốc, Thái Lan đều là những điểm cộng. Đối với VCBF, ông Bùi Sỹ Tân tin tưởng, với lợi thế từ tập đoàn mẹ là Franklin Templeton và Vietcombank, VCBF sẽ sớm ra mắt quỹ hưu trí và có những lợi thế thu hút riêng. Còn SSIAM sẽ hướng tới các doanh nghiệp và người lao động chưa có hoặc muốn một sản phẩm hấp dẫn hơn so với lương hưu từ Bảo hiểm xã hội.

Dù có những đường hướng riêng nhưng theo ông Bùi Sỹ Tân, ở buổi ban đầu, các quỹ hưu trí rất cần sự hỗ trợ về chính sách. Chẳng hạn, Chính phủ nên khuyến khích người lao động tham gia quỹ hưu trí bằng cách khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho toàn bộ phần đóng góp vào quỹ. Việt Nam có thể đưa ra quy định doanh nghiệp và người lao động có thể lựa chọn tham gia toàn bộ hoặc một phần Quỹ Bảo hiểm Xã hội, một phần vào quỹ hưu trí tự nguyện.