Thứ Hai | 28/01/2013 09:09

Quỹ hoán đổi danh mục vàng: Tại sao không?

Hoạt động của quỹ ETF vàng sẽ giúp thiết lập thị trường vàng với các sản phẩm theo thông lệ quốc tế, chuyển quan hệ cho vay sang quan hệ mua bán vàng (chứng khoán hóa); minh bạch hóa thị trường và giao dịch. Đặc biệt, nó sẽ giúp kết nối được thị trường vàng trong nước với thị trường vàng quốc tế, chuyển hóa phần lớn lượng vàng trong xã hội thành vốn phát triển kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tồn tại thị trường vàng là vấn đề khách quan trên thế giới. Đối với nước ta, hoạt động mua - bán vàng còn là tập quán, có tính lịch sử, văn hoá lâu đời. Do vậy, cơ quan quản lý cần nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường vàng, phát triển các sản phẩm trên thị trường theo hai nguyên tắc căn bản.

Thứ nhất, cần phải bảo đảm NHNN thực hiện được vai trò quản lý vàng vật chất. Việc kinh doanh, xuất khẩu vàng vật chất nên được quản lý theo nguyên tắc thị trường. Thứ hai, cần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được tham gia đầu tư, kinh doanh từ biến động giá vàng. Song, Nhà nước cần có đủ công cụ để điều tiết thị trường vàng, bảo đảm giá vàng có liên thông với thị trường quốc tế.

TSKH. Nguyễn Thành Long - Vụ trưởng Vụ Quản lý các Công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán (UBCKNN) cho rằng, Bộ Tài chính sẽ đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng những quy định pháp lý tạo cơ chế cho ra đời các sản phẩm chứng khoán dựa trên vàng vật chất, nhằm hiện thực hóa nguyên tắc thứ hai của thị trường vàng.

Bởi lẽ, trong hoạt động đầu tư kinh doanh có gắn tới vàng, có hai sản phẩm điều chỉnh bởi quy định của pháp luật về chứng khoán. Đó là chứng khoán phái sinh vàng, đặc biệt là hợp đồng tương lai vàng; và quỹ hoán đổi danh mục vàng (ETF vàng). Cả hai sản phẩm này đều rất phổ biến trên thế giới và cạnh tranh trực tiếp với việc sở hữu và nắm giữ vàng vật chất.

Quỹ ETF vàng được hình thành từ việc huy động vàng vật chất từ nhà đầu tư (khu vực dân cư) hoặc các thành viên lập quỹ, sáng lập viên của quỹ. Việc huy động vàng để lập quỹ thực hiện theo cơ chế hoán đổi. Cụ thể nhà đầu tư, thành viên lập quỹ, sáng lập viên chuyển vàng vật chất vào quỹ và nhận lại chứng chỉ quỹ. Bản chất là việc chứng khoán hóa vàng vật chất, tuy nhiên, người sở hữu các chứng chỉ quỹ ETF vàng vẫn có quyền hoán đổi sang vàng vật chất khi cần thiết.

Trong quá trình hoạt động của quỹ, thành viên lập quỹ và nhà đầu tư được tiếp nhận lại vàng từ quỹ hoặc đóng góp bổ sung vàng vào quỹ theo cơ chế hoán đổi giao dịch hai chiều, từ vàng vật chất sang chứng khoán (chứng chỉ quỹ) niêm yết và giao dịch trên SGDCK và ngược lại. Nhà đầu tư nhỏ lẻ có quyền giao dịch chứng chỉ quỹ trên SGDCK như các cổ phiếu thông thường. Khi nhà đầu tư gom được một lượng chứng chỉ quỹ đủ lớn, thì có thể hoán đổi lấy vàng theo cơ chế giao dịch hoán đổi.

Sẽ huy động được vàng từ dân cư

Theo đại diện Vụ Quản lý các Công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán, trong cấu trúc vận hành quỹ ETF vàng sẽ bao gồm công ty quản lý quỹ; sáng lập viên của quỹ; thành viên lập quỹ; và ngân hàng giám sát.

Theo đó, công ty quản lý quỹ đăng ký cấp phép cho quỹ ETF vàng theo quy định của pháp luật chứng khoán. Thực hiện hoạt động xác định giá trị tài sản ròng của quỹ, phát hành chứng chỉ quỹ trên cơ sở lượng vàng huy động được (đáp ứng lệnh mua của nhà đầu tư), hoặc thu hồi chứng chỉ quỹ trên cơ sở lượng vàng hoàn trả cho nhà đầu tư (đáp ứng lệnh bán của nhà đầu tư).

Sáng lập viên của quỹ là tổ chức có giấy phép kinh doanh vàng do NHNN cấp. Tổ chức này cần phải được ủy quyền thực hiện các hoạt động xuất, nhập khẩu vàng miếng. Vai trò sáng lập viên là thông qua cơ chế xuất, nhập khẩu vàng, bảo đảm giá vàng trong nước (thể hiện qua giá chứng chỉ ETF) và giá vàng quốc tế (thể hiện qua giá trị tài sản ròng của quỹ ETF) không chênh lệch quá nhiều. Sáng lập viên cũng có vai trò thẩm định chất lượng vàng huy động từ nhà đầu tư, thành viên lập quỹ, bảo đảm đáp ứng tiêu chí của quỹ, trước khi chuyển vàng vào quỹ.

Thành viên lập quỹ là các công ty chứng khoán. Các tổ chức này cung cấp dịch vụ môi giới trong giao dịch hoán đổi vàng từ nhà đầu tư lấy các lô chứng chỉ quỹ ETF và ngược lại. Các tổ chức này cũng được thực hiện nghiệp vụ tự doanh (trực tiếp mua vàng miếng để hoán đổi lấy các lô chứng chỉ quỹ ETF hoặc ngược lại). Ngân hàng giám sát thực hiện chức năng lưu kho vàng huy động từ nhà đầu tư. Đồng thời, thực hiện chức năng quản trị quỹ, phát hành và thu hồi chứng chỉ quỹ theo chỉ thị của công ty quản lý quỹ.

TSKH. Nguyễn Thành Long cho rằng, việc đưa quỹ ETF vàng đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều ưu điểm. Đối với nền kinh tế, quỹ này sẽ giúp huy động được vàng vật chất từ khu vực dân cư để quản lý tập trung tại hệ thống ngân hàng (tại các ngân hàng giám sát, hoặc buộc phải tái lưu ký tại kho quỹ của NHNN). Việc quản lý tập trung mới sẽ bảo đảm vàng là công cụ dự trữ ngoại hối quốc gia.

Bên cạnh đó, nó sẽ giúp từng bước thay đổi tập quán nắm giữ vàng miếng qua đó, góp phần cải thiện hiệu quả chính sách tiền tệ. Nhà đầu tư thay vì mua vàng vật chất có thể mua chứng chỉ quỹ ETF vàng mà vẫn bảo đảm lợi nhuận. Đồng thời, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Tính minh bạch của quỹ ETF và đặc tính chứng chỉ quỹ ETF vàng niêm yết trên SGDCK sẽ tránh được tình trạng thao túng giá vàng trên thị trường nội địa. Các quỹ ETF vàng tham chiếu tới giá vàng quốc tế cũng tạo động lực thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới.

(Theo Thoibaonganhang)