Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến 2020
Nội dung chính của quy hoạch giai đoạn này là tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo như ngành cơ khí-luyện kim, hóa chất, điện tử-công nghệ thông tin, dệt may-da giày, nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống, vật liệu xây dựng, than, dầu khí, khai thác và chế biến khoáng sản... nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, gia tăng xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Quy hoạch nêu rõ Nhà nước sẽ khuyến khích phát triển dân doanh; phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích hoạt động đầu tư nước ngoài, đặc biệt là thúc đẩy phát triển đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh điều kiện quyết định thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực công nghiệp.
Quan trọng nhất là phát triển công nghiệp theo các chuẩn mực về môi trường, tiến tới công nghệ xanh trong giai đoạn sau năm 2020.
Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đề ra mục tiêu, giai đoạn từ năm 2020 đến 2030 sẽ đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp khoảng 12%/năm. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 42 đến 43% GDP và đến năm 2030 là chiếm 43 đến 45% GDP.
Điểm nổi bật của quy hoạch lần này là phát triển các ngành công nghiệp phân bổ theo không gian và vùng lãnh thổ, nhờ đó không chỉ tận dụng được lợi thế địa phương, mà còn tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển công nghiệp vùng.
Dự kiến, nguồn vốn đầu tư để triển khai quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn năm 2020 đến 2030 có thể sẽ huy động khoảng 3% đến 4% từ ngân sách Nhà nước; khoảng 15% từ vốn vay trong nước, khoảng 38% từ nguồn vốn tự có trong dân và các doanh nghiệp, đồng thời thu hút khoảng 33% từ nguồn vốn vay trực tiếp nước ngoài (FDI)./.
Nguồn Vietnamplus