Quỹ GEM tại Việt Nam: Những cam kết đầu tư “khủng” và sự mơ hồ
Đến Việt Nam, Global Emerging Markets (GEM) được giới thiệu là một Tập đoàn đầu tư của Mỹ có tổng tài sản danh mục lên tới 3,4 tỷ USD. Quỹ có nhiều thành viên trên khắp thế giới chuyên đầu tư vào các công ty niêm yết và chưa niêm yết vừa và nhỏ tại các thị trường mới nổi. Trong đó có Quỹ CITIC-GEM Fund (China International Trust and Investment Company), MENA Small & Medium Enterprise Fund (Middle East & North Africa), Kinderhook Industries, GEM Global Yield Fund, GEM India Advisors và GEM Brazil PE Fund.
Từ khi thành lập vào năm 1991, GEM đã thực hiện 305 thương vụ đầu tư tại 65 quốc gia.
Cho đến nay, quỹ này đã công bố đầu tư vào 4 doanh nghiệp tại Việt Nam là CTCP Tập đoàn FLC (mã: FLC), CTCP Tập đoàn Hoàng Huy (mã: HHS), CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã: DLG) và CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG). Song, dường như sự đầu tư của GEM chỉ dừng ở mức công bố.
Những cam kết đầu tư khủng
Ngày 11/2/2014, CTCP Tập đoàn FLC công bố quỹ GEM sẽ đầu tư 800 tỷ đồng vào FLC, thực hiện dưới hình thức cam kết hạn mức mua cổ phần của FLC. Ngày 07/08/2014 hợp đồng này chính thức được ký kết. Theo đó GEM sẽ giải ngân 200 tỷ đồng trong vòng 12 tháng mua cổ phiếu FLC với mức giá tương đương giá thị trường. Ngoài ra, GEM cũng cam kết thực hiện đăng ký mua 3 triệu cổ phần từ cổ đông lớn theo mức giá thoả thuận 20.000 đồng/cổ phiếu.
Cũng trong ngày 11/2/2014, GEM thoả thuận đầu tư vào CTCP Tập đoàn Hoàng Huy (mã: HHS) gồm Hợp đồng thu xếp từng lần và Hợp đồng mua cổ phiếu từ cổ đông lớn, tổng giá trị khoảng 16 triệu USD tương đương 324 tỷ đồng.
Theo đó, GEM cam kết sẽ rót gần 10 triệu USD tương đương khoảng 200 tỷ đồng để thực hiện mua cổ phần HHS thuộc sở hữu của Công ty và của cổ đông lớn dưới hình thức thu xếp từng lần trong thời hạn là 30 tháng.
Bên cạnh đó, Quỹ đầu tư này cũng đã cam kết thực hiện đăng ký mua 4 triệu cổ phần từ cổ đông lớn theo mức giá đã thỏa thuận là 31.000 đồng/cp, điều này đồng nghĩa với việc GEM sẽ rót khoảng 124 tỷ đồng vào cổ phiếu HHS nếu giao dịch này được thực hiện thành công.
Tiếp tục là những “cam kết” vào các công ty bất động sản, sau FLC và HHS, CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã: DLG) là công ty tiếp theo GEM chọn để rót vốn đầu tư. Ngày 09/08/2014, DLG đã tổ chức lễ ký cam kết đầu tư và đối tác chiến lược với GEM. Theo đó, GEM cam kết đầu tư chiến lược vào DLG, chi 400 tỷ đồng để mua 20% vốn cổ phần của DLG trong vòng 6 tháng.
Gần đây nhất, ngày 6/11/2014, GEM cam kết sẽ đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng (80 triệu đô la Mỹ) vào CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG). Dự kiến toàn bộ giao dịch sẽ được hoàn tất trong ba tháng (tức tháng 01/2015)
Theo ông Đoàn Nguyễn Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL, ban đầu GEM đặt vấn đề HAGL phát hành thêm khoảng 10% vốn cổ phiếu cho riêng GEM, tuy nhiên HAGL đã không đồng ý và chỉ thống nhất cho mua qua sàn. Phía GEM cũng xác nhận quỹ cam kết mua cổ phiếu HAG trên sàn, có thể quỹ này sẽ nắm giữ khoảng 10% cổ phần của HAGL.
Chất xúc tác cho sự tăng trưởng giá của cổ phiếu
Có thể nói, ngày 11/02/2014 chính là ngày bắt đầu cho chuỗi tăng điểm liên tục và xuất hiện những phiên giao dịch với khối lượng khủng của cổ phiếu FLC. Được giới đầu cơ gọi là siêu đầu cơ với những “game” phát hành thêm, hợp đồng hợp tác với GEM có thể nói là một chất xúc tác cho sự tăng trưởng giá cổ phiếu.
Với DLG, thông tin hợp tác với GEM phần nào khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào doanh nghiệp và góp phần tạo nên sự tăng điểm trong khoảng thời gian từ cuối tháng 7/2014 đến 13/08/2014.
Còn HHS, cổ phiếu này đã tăng được 2 tháng trước khi hợp đồng hợp tác với GEM được ký kết và hợp đồng này lại đánh dấu sự bắt đầu cho một tháng giao dịch ít hấp dẫn hơn trước của HHS trước khi tăng trở lại. Mặc dù vậy, từ vài ngày trước 11/02/2014 cho đến tháng 3/2014, giá cổ phiếu HHS với chất xúc tác đến từ “đối tác ngoại” cũng đã có sự tăng trưởng gần 50% .
Song đối với HAG thì hợp đồng ký kết với GEM cũng chỉ giúp cho HAG tăng được thêm 1 phiên. Trước sự đi xuống của thị trường chung, HAG đã giảm điểm liên tục.
Nhưng cũng có thể lý do là vì cái tên GEM không còn gây ấn tượng cho nhà đầu tư như là “một quỹ ngoại có chiến lược đầu tư hiệu quả” nữa.
Bởi vì khối lượng mua của quỹ này chưa đáng là bao
Cho đến thời điểm này, GEM mới chỉ mua 200.000 cổ phiếu HHS và chưa có thêm động thái mới. Tổng số cổ phiếu mua vào của khối ngoại đối HHS từ 11/2/2014 – 2/2/2015 chưa đến 700.000 cổ phiếu.
Tính từ 9/8 đến 2/2, tổng khối lượng cổ phiếu mà khối ngoại mua vào đối với DLG là hơn 6,2 triệu cổ phiếu tương đương 4,1% vốn điều lệ của DLG. Vào đầu tháng 11/2014, Đức Long Gia Lai tiết lộ rằng Quỹ GEM đã mua 2 triệu cổ phiếu DLG với giá trị 23,2 tỷ đồng, tương ứng 11.600 đồng/cp.
Còn HAG, từ 6/11/2014 – 2/2/2015, tổng giá trị mua vào của khối ngoại nói chung đối với HAG là 205,7 tỷ đồng – ít hơn nhiều so với con số 1.700 tỷ đồng.
Trong bản tin ngày 30/01/2015 của công ty chứng khoán FPTS, các chuyên gia nhận xét, sau những công bố nói trên thì hầu như GEM giải ngân vào các công ty này không nhiều. Và thực hư việc đầu tư của quỹ này rất mơ hồ, không rõ ràng.
“Thông tin, lịch sử hoạt động của quỹ rất mập mờ chưa kiểm chứng được, vì vậy nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng sự tác động đột biến nào đến từ quỹ này.” – FPTS khuyến nghị.
Nguồn Infonet