Thứ Ba | 16/12/2014 15:16

Quy định xử phạt ATM hết tiền: Chỉ ngân hàng mới biết ATM hết tiền!

Phóng viên đã tiến hành khảo sát tại các khu công nghiệp (KCN) và những khu vực đông dân cư sau khi Nghị định 96 của Chính phủ có hiệu lực.

Chưa phải đã chạy “ngon trớn”
 
Theo ghi nhận, tại cây ATM của VietinBank trong khuôn viên trường Đại học Thủy lợi (Tây Sơn, Q.Đống Đa, Hà Nội), được biết, cách đây vài ngày cây ATM này đã xảy ra sự cố và phải ngừng hoạt động để bảo trì, nhưng đến nay cây cũng đã hoạt động bình thường trở lại.

Một số cây ATM của Vietcombank nằm trong khu chế xuất Tân Thuận, nơi được xem là điểm nóng vào những ngày công nhân rút lương, nhưng trong ngày 13.12 vẫn hoạt động bình thường, các cây ATM liên tục có khách hàng thực hiện giao dịch nhưng không có khách hàng nào gặp sự cố. Trên các máy ATM, đều có số điện thoại đường dây nóng để khách hàng liên hệ.

Tuy nhiên, ngày 15.12, nhiều sinh viên Trường Đại học Cần Thơ phàn nàn về cây ATM tại cổng A thông báo ngưng phục vụ để bảo trì. Tại đây, rất nhiều người đứng chờ rút tiền nhưng vẫn không thực hiện được giao dịch. Chị Trần Thị Tuyết Xuân - nhân viên Cty PPF, phàn nàn: “Vì sợ mất nhiều thời gian đi rút tiền ở ATM không cùng tuyến đường, nên mình đã chọn ATM gần nhà để rút tiền. Đến rút tiền thì trụ ATM đang bảo trì, không rút được”.

Chị Võ Thị Phượng - nhân viên Cty cổ phần May Tây Đô - cho biết, sẵn dịp đi ngang trường thấy có cây ATM, ghé vào rút tiền để đi chợ, đến trụ ATM rút tiền nhưng máy lại thông báo “Tạm ngừng phục vụ để bảo trì”. Chị Phượng than phiền, tình trạng này chị gặp rất nhiều, nhất là vào những ngày lãnh lương, lễ tết, phải đợi 2 - 3 giờ sau máy mới có tiền trở lại.

Theo ông Trịnh Vũ Thanh Sơn - Phó phòng Kinh doanh dịch vụ ATM (NH Vietcombank Cần Thơ): “Cây ATM bên Trường Đại học Cần Thơ không hoạt động là do máy bị hỏng card thẻ, hiện NH đang sửa chữa để phục vụ trong thời gian sớm nhất. Ngân hàng Vietcombank đã có hệ thống theo dõi và giám sát mạng lưới ATM rộng khắp, đồng thời cập nhật 24/24 giờ về lượng tiền còn trong máy. “Biết được vào thời điểm Tết Nguyên đán giao dịch ATM tăng lên đột biến, nên thông qua hệ thống công nghệ theo dõi từ ngân hàng đến các máy, chúng tôi biết được máy ATM còn bao nhiêu tiền. Nếu chỉ còn 100 triệu, chúng tôi tiếp tiền ngay, vì vậy máy không thể hết tiền được”.

Quá ít cây ATM…

Theo quy định tại Nghị định 96 cho biết, từ ngày 12.12.2014 sẽ xử phạt từ 10 - 15 triệu đồng đối với trường hợp “ngân hàng không giám sát mức tồn quỹ tại máy ATM, không đảm bảo máy ATM phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định”. Nhưng, không phải chỗ nào cũng có cây ATM để cho việc rút tiền được thuận lợi.

Cụ thể, tại KCN Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), chúng tôi không tìm thấy cây ATM nào đặt trong khu vực này. Theo một số công nhân tại đây cho biết, trong KCN này không có cây ATM, nếu muốn rút tiền thì phải đi tới địa phận Dốc Lã - Ninh Hiệp (nằm cạnh KCN) mới có.

Tại KCN Sài Đồng (Gia Lâm), nơi đây chỉ có một cây ATM của Vietcombank nằm trên đường Công nghiệp 4, sát trụ sở nhà máy SUMI. Theo chị Trần Thị Dân - công nhân nhà máy SUMI - cho biết, cả KCN này rộng gần 100ha với hàng chục nhà máy, hàng vạn công nhân, nhưng chỉ có duy nhất một cây ATM. Mong ngân hàng cho lắp thêm nhiều cây ATM nữa, để mỗi kỳ lương chúng tôi không phải xếp hàng dài chờ rút tiền. Khi PV có mặt, anh N.V.Tú - công nhân nhà máy Pentax - đang rút tiền, anh Tú cho biết: Làm tại KCN này gần 2 năm, nhưng anh chưa lần nào đi rút tiền tại cây này mà không rút được.

Một số địa điểm thuộc các khu vực vùng ven TPHCM như Bình Tân, Tân Phú, chỉ có hiện tượng một số trụ ATM được dán thông báo “đang trong quá trình xây dựng” hoặc “máy ATM chưa được đưa vào sử dụng”, dù rằng theo phản ánh của người dân thì các trụ này được đặt đã lâu. Còn tại cây ATM của VietinBank ở số 441 Nguyễn Văn Linh, khi chúng tôi dùng thẻ Vietcombank để vấn in sao kê thì cây hiển thị chữ “Chức năng chưa sẵn sàng trên ATM, quý khách vui lòng thực hiện giao dịch trên ATM khác của VietinBank” (Ảnh). Nhưng khi thực hiện giao dịch rút tiền thì vẫn rút được bình thường.

Bà Đỗ Thị Tưởng – Trưởng phòng Dịch vụ - Marketing, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý dịch vụ ATM của Chi nhánh Agribank tại Quảng Ninh – cho hay, người dân cứ nghĩ không rút được tiền nghĩa là máy hết tiền thì oan cho các ngân hàng, bởi trong quá trình hoạt động, máy cũng thường gặp lỗi do hệ thống, hoặc do cả thao tác sai của khách hàng.

Còn ông Nguyễn Ngọc Thạch – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Quảng Ninh - cho hay: “Trong cây ATM còn tiền hay không, thì chỉ ngân hàng mới biết. Nhưng cũng có một cách để người dân kiểm tra: Nếu cây ATM báo lỗi, không rút tiền được, nhưng vẫn kiểm tra số dư và chuyển khoản được thì có thể máy hết tiền. Khi đó, hoặc gọi điện cho ngân hàng đó theo số điện thoại nóng, hoặc gọi trực tiếp cho Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, để chúng tôi chỉ đạo các ngân hàng xử lý; nếu các ngân hàng không giải quyết kịp thời thì chúng tôi xử lý họ”.

Nguồn Lao Động