Quy định việc các TCTD nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội
Theo đó, đối tượng áp dụng của Thông tư bao gồm các ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long.
Thông tư quy định, hàng năm, các TCTD nhà nước có trách nhiệm duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam tại thời điểm ngày 31/12 năm trước.
Số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam tại thời điểm ngày 31/12 năm trước bao gồm: Tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, các hình thức nhận tiền gửi khác của cá nhân, tổ chức (trừ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) theo quy định tại Khoản 13, Điều 4 Luật Các TCTD; phát hành trái phiếu để huy động vốn từ cá nhân, tổ chức (trừ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).
Trường hợp số dư tiền gửi phải duy trì trong năm kế tiếp lớn hơn số dư tiền gửi của năm trước thì các TCTD nhà nước phải bổ sung số dư tiền gửi bằng số tiền chênh lệch lớn hơn. Trường hợp số dư tiền gửi phải duy trì trong năm kế tiếp nhỏ hơn số dư tiền gửi của năm trước thì các TCTD nhà nước được rút bớt số tiền gửi bằng với số chênh lệch nhỏ hơn hoặc tiếp tục duy trì số dư tiền gửi của năm trước.
Thông tư cũng quy định cụ thể lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của các TCTD nhà nước tại Ngân hàng Chính sách xã hội; quy trình, thủ tục gửi tiền tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/01/2014.