Thông tư gồm 3 Chương, 18 Điều, được áp dụng đối với các đơn vị thuộc NHNN, ngoại trừ các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo quy định của Nhà nước và các DN hạch toán kinh tế độc lập trực thuộc NHNN.
Về nguyên tắc trích lập, hạch toán và sử dụng khoản DPRR, Thông tư nêu rõ: Hàng năm, NHNN trích lập DPRR và hạch toán vào chi phí bằng 10% chênh lệch thu, chi chưa bao gồm khoản chi DPRR. Số dư DPRR sau thời điểm trích lập không vượt quá số DPRR cần phải trích lập.
Việc trích lập và hạch toán số DPRR được trích lập trong năm tài chính của NHNN được thực hiện tập trung tại NHNN (Vụ Tài chính - Kế toán).
Khoản DPRR được sử dụng chung để bù đắp những tổn thất, thiệt hại vê tài sản xảy ra trong quá trình hoạt động sau khi đã được bù đắp bằng tiền bồi thường của các tổ chức, cá nhân gây ra tổn thất và tổ chức bảo hiểm (nếu có).
Khoản DPRR chưa sử dụng hết trong năm được chuyển sang năm sau sử dụng tiếp. Trường hợp khoản DPRR không đủ bù đắp các tổn thất, việc xử lý phần còn thiếu sẽ được thực hiện theo quy định tại Chế độ tài chính hiện hành của NHNN.
Trường hợp số DPRR cần phải trích lập nhỏ hơn số dư DPRR trước thời điểm trích lập, NHNN thực hiện hoàn nhập phần chênh lệch vào thu nhập của NHNN.
Thông tư cũng quy định rõ việc phân loại tài sản có rủi ro, phương pháp xác định và tỷ lệ trích lập DPRR. Cụ thể về phân loại tài sản có rủi ro: Tiền, vàng gửi tại ngân hàng nước ngoài, cho vay và thanh toán với ngân hàng nước ngoài được phân thành 3 nhóm tương ứng với các mức độ rủi ro khác nhau. Tương tự, các khoản tái cấp vốn được phân thành 5 nhóm; Các khoản thanh toán với Nhà nước và Ngân sách Nhà nước được phân thành 3 nhóm và các khoản phải thu khác được phân thành 5 nhóm.
Tuy nhiên, NHNN không thực hiện phân nhóm chứng khoán đầu tư trên thị trường quốc tế cho mục đích trích lập DPRR. Việc xác định dự phòng cụ thể đối với khoản mục này chỉ thực hiện đối với các loại chứng khoán đang đầu tư trên thị trường tài chính quốc tế bị giảm giá so với giá trị ghi trên sổ kế toán.
Về trích lập DPRR, theo Thông tư, số DPRR cần phải trích lập bằng tổng của Dự phòng chung cộng với Dự phòng cụ thể của các khoản mục tài sản có rủi ro. Trong đó Dự phòng chung được tính bằng 0,75% tổng tài sản có của NHNN, số liệu về tổng tài sản có của NHNN được lấy trên Bảng cân đối kế toán Quý 3 của năm xác định DPRR...
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/6/2014.
Nguồn Thời báo Ngân hàng