Thứ Ba | 16/10/2012 07:22

Quy định mới về quản lý thuế gây khó cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu

Quy định phải có bảo lãnh để được ân hạn thuế sẽ khiến các doanh nghiệp bị thiếu vốn, làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá sản phẩm, giảm cạnh tranh...
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) theo hướng phải có bảo lãnh của ngân hàng mới được hưởng chậm nộp thuế 275 ngày đối với nguyên liệu sản xuất xuất khẩu sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trước tình hình thiếu vốn, thiếu nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu của khách hàng và cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực để nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cho sản xuất xuất khẩu.

Đơn cử như các doanh nghiệp thủy sản, quy định này sẽ khiến các doanh nghiệp này bị thiếu vốn do bị thu hẹp, cắt giảm hạn mức doanh nghiệp có thể vay để sản xuất, kinh doanh và làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh, thu hẹp sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo tính toán của nhiều doanh nghiệp trong ngành, hạn mức vay sẽ bị giảm 20 - 40%.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chịu thêm mức phí bảo lãnh 2 - 3%/năm trong tổng tiền thuế nhập khẩu mà ngân hàng bảo lãnh cho doanh nghiệp. Cộng thêm lãi suất cho vay, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm sẽ còn tăng lên khoảng 5 - 10% nữa.

Như vậy, trong thực tế nếu một doanh nghiệp được hưởng hạn mức cho vay khoảng 10 triệu USD. Hàng tháng, trung bình tổng nợ thuế nhập khẩu của doanh nghiệp được ân hạn là 3 triệu USD thì hạn mức doanh nghiệp được phép vay chỉ còn 7 triệu USD do ngân hàng đã trừ phí bảo lãnh.

Với tổng nợ thuế này và thời gian từ lúc nhập khẩu đến khi hàng xuất khẩu đi được ít nhất là 6 tháng thì phí bảo lãnh của doanh nghiệp phải trả cho ngân hàng ước tính khoảng 30.000 USD, chưa kể lãi suất cho vay, thủ tục rườm rà làm tăng thời gian nhập khẩu, phát sinh thêm chi phí lưu bãi không đáng có.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, như vậy, điều kiện phải có bảo lãnh ngân hàng mới được hưởng ân hạn thuế cũng giống như việc Bộ Tài chính đề xuất "cắt bỏ" ân hạn thuế của các lô hàng nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu.

Vasep cho biết, chỉ trong vòng 5 năm từ 2007 - 2011, tổng giá trị nhập khẩu thủy sản của Việt Nam đã tăng 118%, trong đó trung bình 80 - 85% tổng nhập khẩu phục vụ cho hoạt động chế biến xuất khẩu.

Hiện nay, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 60 - 70% cho chế biến xuất khẩu. Do đó, việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động nhập khẩu nguyên liệu.

Trong 5 năm từ 2007 - 2011, giá trị nhập khẩu nguyên liệu đã tăng từ 247,7 triệu USD lên 541,1 triệu USD. Từ lúc ban đầu có hơn 250 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu, đến nay đã có hơn 400 doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới.

Trong số các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản, khoảng hơn 200 đơn vị có nhà máy chế biến và nguồn nguyên liệu nhập khẩu đóng vai trò then chốt từ 20 - 90% tổng lượng nguyên liệu chế biến xuất khẩu hàng năm. Lượng nguyên liệu này góp phần tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 100 nghìn lao động.

Nguồn Vasep


Sự kiện