Hơn 1/3 giá trị giao dịch M&A nửa đầu năm 2022 được đầu tư vào công nghệ, truyền thông và viễn thông. Ảnh: T.L

 
Cẩm Tú Thứ Sáu | 22/07/2022 14:00

Quỹ đầu tư tư nhân và công nghệ "lực đẩy" của M&A

Hơn 1/3 giá trị giao dịch được đầu tư vào công nghệ, truyền thông và viễn thông, phản ánh tác động của xu hướng chuyển đổi số trong việc thúc đẩy M&A.

Theo báo cáo mới nhất của PwC, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong nửa đầu năm 2022 đạt quy mô trước đại dịch với khoảng 25.000 thương vụ, dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp trong sáu tháng tới.

Theo báo cáo, có nhiều yếu tố góp phần tạo nên sự tăng trưởng của thị trường M&A vào cuối năm 2021 và nửa đầu năm 2022 - chẳng hạn như khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, tối ưu hóa danh mục đầu tư, Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) và trên hết là nhu cầu công nghệ để số hóa mô hình kinh doanh - những yếu tố tiếp tục có ảnh hưởng đến thị trường giao dịch vào nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, cách tiếp cận trong phương thức thực hiện các giao dịch này sẽ cần phải thay đổi để thích ứng với một môi trường kinh tế không ổn định.

 

Với mức lạm phát ở nhiều quốc gia đạt mức cao nhất trong 40 năm, các nhà giao dịch thương vụ cần thẩm định doanh nghiệp bằng cách tiếp cận mới - dự báo các kịch bản lạm phát khác nhau và xem xét các tác động đối với thị phần, độ co giãn của giá cả, mối quan hệ với khách hàng và nhà cung cấp, lương thưởng và duy trì nguồn nhân lực.

Chiến lược nguồn nhân lực của doanh nghiệp sẽ cần được ưu tiên trong bất cứ thương vụ nào vì làn sóng lạm phát tiền lương kỷ lục đang diễn ra trong nhiều thập kỷ, dẫn đến “Đại khủng hoảng nghỉ việc”, tình trạng thiếu hụt kỹ năng, sự tăng cường tham gia của các bên liên quan về tính đa dạng và hòa nhập đều sẽ tác động đến hiệu quả kinh doanh trong tương lai.

Quá trình thiết lập lại hoạt động M&A đang được thực hiện trên tất cả các khu vực lớn. Châu Á - Thái Bình Dương trải qua sự suy giảm nhiều nhất, với khối lượng và giá trị giao dịch đều thấp hơn 30% so với mức đỉnh năm 2021, chủ yếu do những trở ngại kinh tế vĩ mô và các hạn chế phòng dịch được áp dụng trên một số thành phố lớn ở Trung Quốc.

Giá trị giao dịch đã giảm trở lại mức tương tự như trước đại dịch. Giá trị thương vụ trong nửa đầu năm 2022 xấp xỉ 2 nghìn tỉ USD, gần gấp đôi so với số liệu ghi nhận trong nửa đầu năm 2020 – giai đoạn kinh tế có nhiều bất ổn. Tổng số giao dịch quy mô lớn trên toàn cầu (giá trị hơn 5 tỉ USD) đã giảm một phần ba. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2022 vẫn có sự góp mặt của các thương vụ lớn - trên thực tế, có bốn giao dịch với giá trị hơn 50 tỷ đô la Mỹ, so với chỉ một giao dịch trong cả năm 2021.

Trên thị trường tiêu dùng, hoạt động M&A trong sáu tháng tới sẽ gắn chặt với những dấu hiệu kinh tế bất ổn tác động đến niềm tin và chi tiêu. Ảnh: T.L
Trên thị trường tiêu dùng, hoạt động M&A trong sáu tháng tới sẽ gắn chặt với những dấu hiệu kinh tế bất ổn tác động đến niềm tin và chi tiêu. Ảnh: T.L

Khảo sát của PwC cũng cho thấy sự phát triển của mô hình quỹ đầu tư tư nhân (PE) đã khiến nó trở thành động cơ thúc đẩy thương vụ M&A. Các PE toàn cầu có lượng tiền dự trữ dồi dào đạt kỷ lục 2,3 nghìn tỉ USD vào tháng 6/2022 - gấp ba lần giá trị so với thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sự tăng trưởng về vốn này giải thích tại sao tỷ trọng của PE trong hoạt động M&A, từ chiếm khoảng ⅓ tổng giá trị thương vụ cách đây 5 năm, lên gần một nửa tổng giá trị thương vụ hiện nay.

Mặc dù giá trị đầu tư PE đã tăng, nhưng lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng nhanh đã khiến việc tạo ra lợi nhuận trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các PE sẽ cần tận dụng nhiều hơn công nghệ đám mây và phân tích dữ liệu để tăng tốc và cung cấp thông tin tốt hơn cho các quy trình giao dịch cũng như mở rộng hồ sơ đầu tư trong các lĩnh vực và các loại tài sản mới trong quá trình tìm kiếm lợi nhuận.

Các yếu tố và xu hướng kinh tế vĩ mô hiện tại đang ảnh hưởng đến quá trình thực hiện thương vụ của các ngành theo những cách khác nhau. Đầu tiên là Công nghệ, truyền thông và viễn thông: Việc áp dụng kỹ thuật số và công nghệ mới vẫn là một ưu tiên số một - điều này đã giúp  Công nghệ, truyền thông và viễn thông chiếm hơn một phần tư khối lượng giao dịch và một phần ba giá trị thương vụ trong nửa đầu năm 2022.

Tiếp theo, nhu cầu của nhóm ngành dịch vụ tài chính về khả năng số, kết hợp với áp lực liên tục từ các cơ quan quản lý và sự cạnh tranh từ các nền tảng công nghệ và fintech, cho thấy hoạt động M&A sẽ tiếp tục là động lực cho sự chuyển đổi. Dịch vụ tài chính chiếm gần 1/4 giá trị thương vụ trong nửa đầu năm 2022.

Ngoài ra, trên thị trường tiêu dùng, hành vi tiêu dùng thay đổi sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho giao dịch M&A khi các công ty tìm cách chuyển đổi mô hình kinh doanh và định vị lại chính mình. Bên cạnh đó, Sản xuất công nghiệp và ô tô, Năng lượng - tiện ích và khai thác, Y tế cũng là những nhóm ngành có nhiều giao dịch M&A trong nửa cuối năm 2022.