Quỹ đầu tư hưu trí Nhật Bản chọn vàng làm nơi trú ẩn an toàn
Chẳng hạn, tính đến tháng 9 năm nay, Quỹ Đầu tư Hưu trí Chính phủ Nhật Bản (GPIF), quỹ công lớn nhất thế giới có 64% tài sản là trái phiếu nội địa, 11% là chứng khoán nội địa, 9% trái phiếu nước ngoài và 12% chứng khoán nước ngoài. Khủng hoảng kinh tế 2008 đã khiến quỹ này thua lỗ 7,6% và sau đó thua lỗ 0,3% vào năm 2010, khi khủng hoảng nợ châu Âu kéo thị trường đi xuống.
Trong bối thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, một số quỹ hưu trí nhỏ hơn gần đây đã phải thay đổi chiến lược đầu tư khi lợi suất trái phiếu xuống thấp kỷ lục và thị trường chứng khoán chững lại. Vàng là lựa chọn an toàn của các quỹ này khi lịch sử biến động giá vàng không có tương quan với chứng khoán, vì thế vàng có thể bảo toàn tài sản của các quỹ.
Một trong số những quỹ hưu trí chuyển sang đầu tư vàng là Quỹ hưu trí Okayama Metal & Machinery - kiểm soát quỹ hưu trí của 260 công ty có quy mô vừa và nhỏ tại khu vực Okayama, bắt đầu mua vàng từ tháng 3 năm nay. Trong số tổng tài sản 40 tỷ yên (477 triệu USD), quỹ này đã đầu từ khoảng 500-600 triệu yên vào vàng.
Ngoài ra, vàng còn được lựa chọn làm lá chắn lạm phát trong bối cảnh ngân hàng trung ương bơm tiền để kích thích kinh tế. Gần đây, việc đảng Tự do Dân chủ của ông Shinzo Abe lên nắm quyền càng mở ra nhiều triển vọng kích thích kinh tế hơn nữa khi ông Abe cho biết ông muốn ngân hàng trung ương nới lỏng tiền tệ không giới hạn để đạt mục tiêu lạm phát 2%.
Lạm phát tăng có thể làm giảm giá trị trái phiếu chính phủ Nhật Bản - danh mục đầu tư chính của các quỹ hưu trí nước này. Sự xuất hiện của các quỹ tín thác vàng cũng cho phép các quỹ hưu trí đầu tư vào vàng mà không cần nắm giữ vàng vật chất. Quỹ tín thác vàng đầu tiên tại Nhật Bản ra mắt vào tháng 6/2008.
Phần lớn các quỹ hưu trí hiện vẫn không chọn vàng vì khoản đầu tư này không có lợi suất, thậm chí còn tốn chi phí lưu trữ nếu là vàng vật chất. Tuy nhiên, chuyên gia cho biết, những bất ổn trên thị trường cùng kỳ vọng lạm phát sẽ làm thay đổi xu hướng này.
Nguồn WSJ/Khampha